Hồ Chí Minh là con người
thống nhất giữa tri và hành, giữa nói và làm, giữa tư tưởng, đạo đức và phong
cách. Điều này cũng được thấy rõ khi nghiên cứu phong cách lãnh đạo khoan dung,
độ lượng Hồ Chí Minh.
Trên bình diện tư tưởng,
Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ, khoan dung, độ lượng là một phẩm chất của người cách mạng,
đặc biệt là của cán bộ lãnh đạo cách mạng. Quan điểm này của người là nhất
quán, kiên trì trong mọi tình huống cách mạng khác nhau. Tùy từng hoàn cảnh, đối
tượng, sắc thái nội dung, Hồ Chí Minh sử dụng nhiều từ khác nhau để nói đến
phong cách này: khoan thứ, khoan hòa, khoan dung, khoan hồng…
Ngay trong những bài giảng
tại Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, sau này được in thành
sách Đường Kách mệnh (1927), khi nói đến tư cách một người cách mệnh,
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Với từng người thì khoan thứ”.
Khoan thứ ở đây bao gồm: (1) khoan hòa, tức là rộng rãi, hòa hợp với mọi người,
và (2) lượng thứ, tức là rộng lòng tha thứ cho người. Quan niệm này tiếp tục được
Hồ Chí Minh nhắc lại trong bài Người cách mạng mẫu mực (18/9/1926):
“Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hoà, lượng thứ…”.
Năm 1957, trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc
phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục, Người nhấn mạnh: “Khiêm tốn và rộng
lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có”.
Điều đặt biệt là, đối với người lãnh đạo, Hồ Chí Minh càng khẳng định cần phải
có đức Khoan. Nhân luận bàn về cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh, Hồ
Chí Minh chỉ rõ: “Trọng người hiền tốt, ưa người lẽ phải, khoan hồng và cương
trực, dũng cảm và nhiều mưu, đó là đại tướng”.
Để giúp hiểu đúng về
đức tính khoan dung, độ lượng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mặt đối lập của nó là sự hẹp
hòi – biểu hiện của tính tự kiêu, tự mãn; và nhiều lần Người đã dùng hình ảnh
so sánh để làm nổi bật sự đối lập giữa hai tính cách này. Chẳng hạn, trong bài
nói về bệnh tự kiêu, tự ái, Hồ Chí Minh viết: “Tự kiêu là hẹp hòi… Thí dụ một
cái cốc, vì hẹp hòi mà chỉ đựng được rất ít nước, thêm một chút nước nữa, là phải
tràn. Trái với cái độ lượng rộng lớn của bể, bao nhiêu nước cũng vẫn chứa được”.
Trong bài Cần, kiệm, liêm, chính, Người nói rõ thêm: “Sông to, biển rộng,
thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ,
cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà
tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”.
Và Người rút ra kết luận: “Như sông như bể mới gọi là độ lượng của người cách mạng”.
Như vậy, có thể thấy, nếu
phong cách là những đức tính bên trong, thể hiện ra bên ngoài ở cách sống, cách
hành xử, được thực hiện trước sau như một, trở thành nét nổi bật, đặc trưng ở
chủ thể hành động, thì với Hồ Chí Minh, khi Người luôn nhấn mạnh, luôn yêu cầu
cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là cá bộ lãnh đạo phải luôn trau dồi và thực
hành khoan dung, độ lượng, thì khoan dung, độ lượng chính là một phong cách của
người cách mạng, trong đó có người cán bộ lãnh đạo cách mạng.
Không chỉ khẳng định người
cán bộ lãnh đạo cách mạng cần có đức tính, phong cách khoan dung, độ lượng, Hồ
Chí Minh còn luận giải sâu về giá trị mà đức tính, phong cách này mang lại, xét
trên cả hai phương diện:
Thứ nhất, với mình,
là hoàn thiện bản thân. Người chỉ rõ: “Tài đức độ lượng nhỏ nhen, không bao
dung được những ý kiến và những phê bình của người khác”.
Rõ ràng, những người không có khả năng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng
góp, phê bình, kể cả của cấp dưới, thì những người đó không thể tiến bộ được.
Trái lại, biết tôn trọng, chấp nhận cái khác biệt, cầu đồng tồn dị, thì không
những thể hiện đức khoan dung, độ lượng, mà còn có khả năng không ngừng bồi dưỡng
đạo đức, nhân cách của mình, qua đó mà trưởng thành thêm.
Thứ hai, với người,
là tập hợp, giáo dục, sử dụng và phát huy được cán bộ, hay rộng hơn là các lực
lượng cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, “mình
phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư,
không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi”; “Phải có tinh thần rộng
rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa”.
Như thế, khoan dung, độ lượng chính là để “cán bộ không bị bỏ rơi”, để tập hợp
rộng rãi lực lượng. Những người lãnh đạo càng cao, càng cần có đức tính, phong
cách này, có như vậy với thành đại đoàn kết. Có đại đoàn kết cách mạng mới đại
thành công, tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang. Quan điểm này của Hồ Chí Minh thể
hiện rõ tính nhân văn, tính cách mạng sâu sắc.
Người còn chỉ rõ, có khoan
dung, độ lượng mới có thể không chỉ tập hợp rộng rãi, đông đảo lực lượng, mà
còn có thể giáo dục, bồi dưỡng những đối tượng còn kém, từ đó không ngừng nâng
cao chất lượng của lực lượng cách mạng. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, “phải
có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ
tiến bộ”;
“Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng,
đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ.
Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ.
Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”.
Khoan dung, độ lượng,
theo Hồ Chí Minh, còn là cơ sở để sử dụng cán bộ, sử dụng các lực lượng cách mạng.
Người nhấn mạnh: “Khoan hồng là biết dùng người”.
Mà biết dùng người, khéo dùng người, thì người tài ngày một nhiều thêm, lực lượng
cách mạng ngày một đông đảo và được phát huy. Đó là gốc của thành công.
Như vậy, có thể thấy rằng,
nếu công tác cán bộ là công tác gốc của Đảng, thì khoan dung, độ lượng, theo
quan điểm của Hồ Chí Minh, chính là một cơ sở, điều kiện tiên quyết để có thể
thực hiện thành công nhiều khâu của công tác cán bộ, đồng thời, giúp tránh được
nhiều tật bệnh liên quan đến cán bộ, đến lực lượng cách mạng như cánh hẩu, đố kị,
coi khinh quần chúng, v.v… Chính vì quan trọng như vậy, nên theo Hồ Chí Minh,
khoan dung, độ lượng phải trở thành cách nhìn thế giới, cách nhìn đời, nhìn người
của người cách mạng: “Cái nhìn của người cách mạng phải rộng rãi, thái độ phải
khiêm tốn”.
Cách nhìn độ lượng, rộng rãi, để thấy sức mạnh vĩ đại của thế giới, của cuộc đời,
của con người, từ đó mà nhìn lại chính mình, để trở nên khiêm tốn. Khoan dung,
độ lượng khi hướng ra bên ngoài như thế, có sức tạo sinh mạnh mẽ những phẩm chất
tốt đẹp trong chủ thể, khi chủ thể hướng cách nhìn đó trở lại chính mình. Giá
trị với người, với mình của đức tính, phong cách khoan dung, độ lượng hòa quyện
chặt chẽ với nhau.
Trên bình diện đạo đức,
phong cách, rõ ràng, Hồ Chí Minh không chỉ nói về khoan dung, độ lượng, mà bản
thân Người luôn trau dồi, thực hành đức tính đó một cách kiên trì, bền bỉ, từ
đó hình thành nên phong cách của Người. Có thể đưa ra biết bao nhiêu dẫn chứng
về phong cách khoan dung, độ lượng của nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh, từ cách nhìn đến
cách ứng xử của Người đối với các đối tượng khác nhau trong suốt cuộc đời cách
mạng của Người. Đúng như đánh giá của Jawaharlan Nehru: “Hồ Chủ tịch là một người
có độ lượng rộng rãi”.
Tóm lại, có thể thấy rằng, Hồ Chí Minh đã để lại nhiều quan điểm sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn về đức tính, phong cách khoan dung, độ lượng và bản thân Người, trong suốt cuộc đời đã luôn tu dưỡng, thực hành đức tính này, để từ đó hình thành nên một phong cách lãnh đạo khoan dung, độ lượng độc đáo, đặc sắc, có giá trị gợi mở to lớn đối với hiện nay.
tấm gương chói lọi đó
Trả lờiXóa