Trong tiềm thức của mỗi
người dân Việt Nam cũng như trong quan niệm của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt
Nam không đơn thuần là một Đảng chính trị, thực hiện các chức năng tổ chức,
lãnh đạo giai cấp mà Đảng luôn là một cơ thể sống hoàn chỉnh, có đạo đức và trí
tuệ - Đảng là “đạo đức, là văn minh”. Vai trò lãnh đạo của Đảng là to lớn,
tổ chức của Đảng là chặt chẽ, kỷ luật, đường lối của Đảng là sáng suốt, đúng đắn;
đảng viên của Đảng là những người ưu tú nhất song không phải là Đảng không có
những sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, những sai lầm, khuyết điểm của Đảng là
có thể khắc phục, sửa chữa được, vì Đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường,
xác định rõ tôn chỉ mục đích là phục vụ nhân dân, đặc biệt là có phê bình và tự
phê bình. Tự phê bình và phê bình giống như chiếc gương soi, như người bạn
đồng hành, soi đường, chỉ lối cho mỗi cán bộ, đảng viên trong mỗi bước đi để
tránh “vết xe đổ” của chính mình và của người khác. Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí
Minh đã sớm nhận ra quy luật ấy. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định mục đích tự
phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, giữ gìn đoàn
kết và thống nhất trong nội bộ. Hồ Chí Minh khẳng định, tự phê bình và phê bình
chính là “thang thuốc hay nhất”, “thang thuốc thánh” để phòng, chống tham
nhũng. Để tự phê bình và phê bình đem lại kết quả phải “khéo dùng cái vũ khí sắc
bén” ấy, để không bị kẻ xấu lợi dụng vào việc công kích, nói xấu, triệt hạ
nhau. Khi gặp khó khăn thì tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng, ý
chí và hành động, dũng cảm vượt qua khó khăn. Khi thuận lợi thì tự phê bình và
phê bình, để nhận rõ thách thức ở phía trước, không chủ quan “ngủ quên trên
vòng nguyệt quế”. Khi mắc khuyết điểm, sai lầm, kể cả tội lỗi xấu xa, đê tiện
nhất thì “Phê bình và tự phê bình như uống thuốc xổ. Xổ rồi thì phải
uống thuốc bổ. Tháo xe đạp ra chùi cho sạch bụi, lúc lắp vào phải cho
dầu mỡ, xe mới chạy được”. Tự phê bình và phê bình là một vấn đề rất
nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân và tổ chức. Tâm lý của con người là
thích được khen hơn bị chê. Mọi người dễ cho rằng tự nói ra khuyết điểm, tự nhận
khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình. Điều này dễ liên lụy đến uy
tín, chức tước, địa vị và thứ bậc nghề nghiệp, vì “người ta hay có lòng tự ái.
Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín,
mất địa vị”. Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng muốn tự phê bình và phê bình căn
bệnh tham ô đòi hỏi phải có hai yếu tố đặc biệt quan trọng đó là thái độ và
phương pháp đúng.
Thứ nhất, thái độ
đúng là yếu tố rất quan trọng giúp ngăn ngừa tham nhũng ngay khi nó còn
trong trứng nước, thể hiện ở tinh thần cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông
chia sẻ, dũng cảm, kiên trì đấu tranh trên tình đồng chí thương yêu, giúp đỡ
nhau. Nếu thái độ không đúng dễ dẫn đến bao che, giấu giếm khuyết điểm, dễ gây
hiềm khích, mất đoàn kết, mất niềm tin đối với đồng chí mình. Nó càng đặc biệt
nguy hại khi tự phê bình và phê bình hành vi tham ô bị lợi dụng làm bình phong
cho ai đó vì mưu đồ cá nhân, vì lòng hẹp hòi, đố kỵ, hòng hạ bệ đồng chí mình
gây mất đoàn kết nội bộ, làm hoang mang mất niềm tin trong nhân dân. Do đó, tự
phê bình và phê bình “phải ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành
thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với
nhau”. Hồ Chí Minh cũng lưu ý, thái độ khoan dung, nhân ái cần phù hợp với
từng đối tượng cụ thể, với tính chất mức độ của khuyết điểm, sai lầm, tuyệt đối
không được cào bằng; phải kiên quyết xét rõ công - tội, không thiên tư,
thiên vị. Với những cán bộ, đảng viên biết ăn năn, hối cải, Đảng cần khoan
dung, độ lượng tạo cơ hội cho họ sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. Quan điểm
trên không chỉ thể hiện bản chất nhân văn của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn
khơi gợi ý thức tự giác ở mỗi cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện bản
thân.
Thứ hai, phương pháp
đúng - đây là vấn đề mấu chốt nhất cần phải có. Theo Hồ Chí Minh, phương
pháp hiệu quả nhất đó là phải được duy trì thường xuyên và trên cơ sở đề cao
trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bài “Tự phê bình”,
Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn,
thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”. Trong sinh hoạt,
mỗi cán bộ, đảng viên phải chỉ ra cho đồng chí mình những tác hại, nguyên nhân
dẫn đến khuyết điểm sai lầm. Đồng thời, phải thường xuyên quan tâm hướng dẫn, động
viên, kiểm tra, theo dõi quá trình sửa chữa khuyết điểm, sai lầm của đồng chí,
đồng nghiệp. Hồ Chí Minh đặc biệt phê phán các biểu hiện hình thức, thiếu nhất
quán “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “nói không đi đôi với làm”, “nói một
đàng làm một nẻo”, nặng về hô hào khẩu hiệu, bệnh thành tích… sẽ làm giảm hiệu
quả, đôi khi phản tác dụng của việc tự phê bình và phê bình. Để đề cao trách
nhiệm nêu gương theo Người cần phải chú trọng nêu gương trong Đảng trước, nhất
là trách nhiệm nêu gương của cán bộ cao cấp. Người chỉ rõ: “Muốn tự phê bình và
phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước”.
Bởi vì, “uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và
phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm để đưa công việc ngày
càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê
bình”.
Việc tự phê bình và phê bình hành vi tham ô phải gắn liền với những điều kiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh của từng cá nhân trên từng cương vị công tác. Ở mỗi đơn vị, trong từng hoàn cảnh, nội dung, cách thức tiến hành phải phù hợp với điều kiện khi thực hiện tự phê bình và phê bình. Những cán bộ, đảng viên có tinh thần cầu thị sẽ thấy việc tự phê bình và phê bình là thang thuốc hay để trị bệnh tham ô. Còn đối với những trường hợp suy thoái, nhất là tha hóa, biến chất thì việc phê bình không còn nghĩa lý gì. Do vậy, chỉ phê bình thôi chưa đủ mà cần kết hợp với các biện pháp khác, nhất là việc kiểm soát quyền lực.
Chống tham nhũng càng tốt thì đất nước càng phát triển mạnh mẽ
Trả lờiXóa