Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Về phương thức thực hiện đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh đã nêu lên một số vấn đề mang tính định hướng như sau:

Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi cơ bản của con người làm mẫu số chung trong việc giải quyết vấn đề dân tộc - tôn giáo: Trong điều kiện của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân chỉ được thực hiện khi đất nước độc lập, bởi: “Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”. Đồng thời, Người chỉ rõ chỉ trên cơ sở lợi ích chung vì độc lập dân tộc, vì quyền tự do, hạnh phúc của mỗi con người không phân biệt giai tầng, giới tính, dân tộc, tôn giáo, thì mới có thể giải quyết thỏa đáng mối quan hệ dân tộc - tôn giáo.

Trong mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề dân tộc là ưu tiên hàng đầu, song không bao giờ xem nhẹ vấn đề tôn giáo. Từ quan điểm và cách thức của Người, giáo hội các tôn giáo đề ra tôn chỉ, mục đích hành đạo theo hướng gắn bó với dân tộc như: “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” (Công giáo); “sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” (Tin lành); “đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (Phật giáo); “nước vinh, đạo sáng” (đạo Cao đài), “chấn hưng nền đạo gắn bó với dân tộc; phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Phật giáo, Hoà Hảo).

Trân trọng các giá trị tốt đẹp trong các tôn giáo; chấp nhận sự khác biệt, phát huy những điểm tương đồng giữa các tôn giáo, giữa triết lý tôn giáo và lý tưởng cộng sản: Hồ Chí Minh không bao giờ có thái độ thiên kiến, bài xích, mà nhìn nhận tôn giáo trên bình diện văn hóa, đạo đức, với quan niệm tôn giáo mang những giá trị gắn chặt với con người, vì con người, vì thế mang giá trị nhân văn sâu sắc. Người tổng kết: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa” và nhận ra những tư tưởng, quan điểm đó có những nét tương đồng với lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Người đang hướng tới. Với cái nhìn rộng mở và nhân ái, Hồ Chí Minh nhận thấy những ước mơ về một xã hội bình đẳng, tự do, nhân ái của những người sáng lập ra tôn giáo là phù hợp với lí tưởng của những người cộng sản và cuộc kháng chiến của dân tộc trong đó có sự tham gia của đồng bào các tôn giáo là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tinh thần của Chúa và Phật là phải thương yêu, đùm bọc nhau để chống lại kẻ thù tàn bạo, hung ác.

Trong điều kiện Việt Nam, Hồ Chí Minh chủ trương không tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với giáo lý của các tôn giáo, tránh việc kẻ địch sẽ lợi dụng để vu khống, để tuyên truyền luận điệu “cộng sản là vô thần”, “cộng sản nắm chính quyền sớm muộn gì cũng sẽ tiêu diệt tôn giáo”. Người chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt; đề cao, phát huy những điểm tương đồng giữa giữa giáo lý tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản; ghi nhận, động viên, khích lệ những đóng góp đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nêu rõ: “Mục đích Chính phủ ta theo đuổi là chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song, để đạt tới hạnh phúc đó cho mọi người thì cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu Đức Chúa Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi theo con đường cứu khổ loài người”. Đó là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, thể hiện tư duy rộng mở và tinh thần nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh.

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đối xử bình đẳng với các tôn giáo: Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, nhân dân có quyền tự do lựa chọn, tin hoặc không tin, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; các tôn giáo bình đẳng với nhau không phân biệt lớn nhỏ, không vì đề cao niềm tin tôn giáo của mình mà nhạo báng, coi khinh tôn giáo của người khác.

Dưới sự chỉ đạo của Người, quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân đã được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng và thể chế hóa trong văn bản pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp đầu tiên nước ta năm 1946, Chương II, mục B đã ghi rõ: “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”. Tôn trọng các tổ chức và hoạt động tôn giáo, Người nhấn mạnh: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ tôn giáo; riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa giáo hội Việt Nam với Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo”. Bên cạnh đó, Người gắn việc thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân: “không tách rời bổn phận kính Chúa của người Công giáo với bổn phận yêu nước của người công dân”, “Hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất của nhân dân, không được trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước”. Người yêu cầu các nhà tu hành, các chức sắc tôn giáo khi truyền bá tôn giáo “có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Đấu tranh chống âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động: Tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, nhưng Hồ Chí Minh luôn đặt ra vấn đề phải phân biệt được nhu cầu tín ngưỡng chân chính của quần chúng với âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Đối với bọn đầu sỏ, ngoan cố và những kẻ lợi dụng và giả danh tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng, Hồ Chí Minh nêu rõ: phải quyết liệt “trừng trị theo pháp luật” và “Chính phủ sẽ nghiêm trị những kẻ lừa bịp, cưỡng bức đồng bào phải lìa bỏ quê hương, sa vào một đời sống tối tăm cực khổ về phần xác cũng như phần hồn”.

Đối với đồng bào các tôn giáo, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, tự do tín ngưỡng là một vấn đề nhạy cảm, dễ bị lực lượng phản cách mạng lợi dụng nhằm xuyên tạc, phá hoại tình đoàn kết gắn bó giữa đồng bào lương - giáo, giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau. Bởi vậy, đồng bào các tôn giáo cần nâng cao cảnh giác “chớ mắc mưu những kẻ tuyên truyền lừa bịp”.

Đối với cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, Hồ Chí Minh yêu cầu cần gương mẫu chấp hành chính sách tôn giáo; ra sức giải thích cho đồng bào các tôn giáo hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo. Người phê phán những hiện tượng như “Đối với nông dân Công giáo, có đội đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra giải thích. Nhiều cán bộ, hễ nói đến cha cố, không phân biệt tốt xấu, cứ gọi là thằng, làm cho nông dân Công giáo khó chịu”. Đó là nguyên nhân khiến đồng bào có đạo hiểu sai về chính sách của Đảng, tạo cớ cho kẻ thù kích động, xuyên tạc, phá hoại.

Tôn trọng các chức sắc tôn giáo và quan tâm đến giáo dân, hướng họ vào các hoạt động lợi ích chung của toàn dân tộc: Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, uy tín của hàng ngũ giáo sĩ, nhà tu hành - những người có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các tín đồ tôn giáo. Bởi vậy, Người cho rằng tôn trọng, vận động, thuyết phục hàng ngũ chức sắc tôn giáo là biện pháp quan trọng để thực hiện chính sách đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc. Bằng thái độ trân trọng, tin tưởng, chân thành, cầu thị, Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều chức sắc có uy tín lớn trong các tôn giáo như linh mục Phạm Bá Trực, ông Cao Triều Phát - lãnh tụ Cao Đài vùng Hậu Giang, v.v. tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng khối đoàn kết tôn giáo.

Bên cạnh đề cao vai trò của vị giáo chủ, giáo sĩ, Hồ Chí Minh dành sự quan tâm sâu sắc đến đời sống của đồng bào tín đồ tôn giáo, nhất là tín đồ thuộc các dân tộc thiểu số. Người đã gửi nhiều thư, điện đến đồng bào Công giáo, đồng bào các dân tộc, biểu dương công trạng và tinh thần hăng hái tham gia kháng chiến của đồng bào, thăm hỏi nhân dịp các ngày lễ lớn của các tôn giáo. Đặc biệt, đối với đồng bào lầm đường lạc lối, đã từng quay lưng với cách mạng và dân tộc, Người bày tỏ thương xót với những cực khổ của bà con ở nơi đất khách, quê người, đồng thời chủ trương “Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ”, bởi “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước. Tuy có một số đồng bào lầm lạc, qua một thời gian, những người ấy dần dần giác ngộ và quay trở về với Tổ quốc”.

Với chủ trương và những biện pháp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết sáng tạo, phù hợp vấn đề tôn giáo, đoàn kết chặt chẽ lương - giáo, đồng bào các tôn giáo khác nhau, cùng góp sức cuộc đấu tranh giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là nền tảng lý luận, định hướng cho Đảng trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn cách mạng trước đây và hiện nay.

1 nhận xét: