Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO

Đoàn kết tôn giáo là một nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Người, đại đoàn kết dân tộc, trong đó có đoàn kết tôn giáo là vấn đề xuyên suốt, cốt yếu của cách mạng, không phải là một thủ đoạn chính trị nhất thời. Điều mà Người luôn hướng đến là sự đoàn kết lâu dài, tự giác, tự nguyện, chân thành, thực sự theo phương châm “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Như vậy, mục tiêu của đoàn kết là nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước, phát huy tối đa sức mạnh các nguồn lực để giành lại độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đoàn kết là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, vì vậy vấn đề đoàn kết tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội và tác động mạnh mẽ đến tiến trình cách mạng. Giải quyết vấn đề này không chỉ là thực hiện đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo, mà còn cần thực hiện đoàn kết trong nội bộ các tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Trong thực hiện đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh chú trọng cả đoàn kết giữa những người cộng sản với đồng bào các tôn giáo. Theo Người, mặc dù thế giới quan của những người cộng sản và những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, song đều có điểm chung về lợi ích của quốc gia, dân tộc, do đó phải sát cánh cùng nhau để đấu tranh cho mục tiêu chung của dân tộc. Hơn nữa, là người lãnh đạo cách mạng, những người cộng sản phải là hạt nhân để quy tụ, tập hợp, thu hút quần chúng, trong đó có quần chúng theo đạo tham gia cách mạng.

1 nhận xét: