Trong quá trình lãnh đạo
cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không tránh khỏi những sai lầm, thiếu
sót do giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Tuy nhiên, như một thông lệ không thể
thiếu, trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, khi đánh giá tình hình phát triển kinh tế -
xã hội qua một nhiệm kỳ, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”,
“tôn trọng hiện thực khách quan”, Đảng ta luôn thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm,
khuyết điểm. Đảng ta coi những sai lầm, khuyết điểm là yêu cầu, đòi hỏi Đảng phải
tiếp tục đổi mới, nhân dân phải tiếp tục đồng lòng để vượt qua những khó khăn,
thử thách. Điều này được khẳng định rõ trong Báo cáo tổng kết chặng đường 30
năm đổi mới của Đảng: “Những hạn chế, khuyết điểm đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân
và toàn quân ta phải nỗ lực phấn đấu không ngừng để khắc phục, tiếp tục đưa đất
nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa”.
Nhìn nhận lại những chủ
trương của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua
thông qua những nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng như Nghị quyết Trung ương
4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, có thể nhận thấy tinh thần nghiêm
túc trong tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn, giữ vững bản
chất cách mạng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội
tiên phong của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc. Đây không phải là sự “chắp
vá”, “giật gấu vá vai” như những luận điệu mà các thế lực thù địch vẫn rêu rao
mà nó thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng trong việc “tự sửa mình” và
đào tạo, huấn luyện cán bộ, đảng viên. Do đó, cần có thái độ khách quan, công
tâm khi xem xét những sai lầm, khuyết điểm của Đảng. Cần tránh cả hai xu hướng
xem nhẹ, bỏ qua những khiếm khuyết hoặc tuyệt đối hóa, thổi phồng những khuyết
điểm bởi cả hai xu hướng này hoặc là dẫn đến thái độ chủ quan, lơ là; hoặc dẫn
đến thái độ cực đoan, bất mãn. Sai lầm, khuyết điểm của Đảng, nhất là của một số
cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thời gian qua là một bài học đắt giá cho
công tác xây dựng Đảng nhưng không vì thế mà đánh đồng với đóng góp của biết
bao thế hệ đảng viên với sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Có thể nhận thấy, qua mỗi
nhiệm kỳ Đại hội, tinh thần chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là
thông qua việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt hơn, thực
chất hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tham nhũng
được coi là một loại “giặc nội xâm” luôn được xử lý một cách quyết liệt. Quyết
tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ
nét từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước đến cả hệ thống chính trị. Đúng như Đại
hội XIII nhận định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo,
chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm
chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Do đó, trong thời
gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội
quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa có tác dụng
cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng; được cán bộ, đảng
viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt, để tăng cường kỷ
cương, kỷ luật Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố,
xét xử các vụ án tham nhũng cũng được chỉ đạo quyết liệt; tạo nên những bước
chuyển biến rõ rệt trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong nhiệm kỳ
vừa qua, “cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng
viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản
lý cả đương chức và đã nghỉ hưu”. Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng
trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng thời, cũng chứng tỏ
năng lực, bản lĩnh của Đảng trong việc phát hiện, xử lý tình trạng tham nhũng của
cán bộ, đảng viên, kể cả những người đã và đang giữ chức vụ quan trọng trong bộ
máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung.
Trong bài phát biểu bế mạc
Hội nghị Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, điểm
mới của Hội nghị lần này là Đảng ta đã mở rộng phạm vi, không chỉ
trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính
trị. Đây là một yêu cầu khách quan bởi lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam tuy giữ vai
trò lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhưng Đảng không đứng ngoài hệ
thống chính trị, không phải là nhân tố độc lập hoàn toàn với hệ thống chính trị.
Hơn nữa, “Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và
chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay”.
Những năm qua, sở dĩ
Đảng ta nhấn mạnh hơn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vì muốn củng cố,
gia tăng thêm sức mạnh cho Đảng; từ đó tiến đến xây dựng cả hệ thống chính trị.
Đây là những bước đi thận trọng, chắc chắn, có lộ trình rõ ràng trong từng giai
đoạn cụ thể. Thời gian qua, khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta đã
đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng
được gia tăng đáng kể nên Đảng ta đã gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với
xây dựng hệ thống chính trị. Điều này đã từng được đặt ra ngay từ chủ đề của Đại
hội XIII: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch,
vững mạnh” và đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII lại được nhấn mạnh
thêm. Do đó, không thể cố tình phủ nhận, xuyên tạc nỗ lực lớn, quyết tâm chính
trị cao của Đảng trong việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị hiện nay. Đó là những luận điệu của những kẻ cố tình “nhắm mắt làm
ngơ”, thiếu thiện chí nên cần phải cảnh giác và kiên quyết đấu tranh phản bác.
Thực tiễn cho thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam thời gian qua được tiến hành đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở, không chỉ góp phần củng cố, gia tăng thêm sức mạnh của Đảng mà còn nâng cao uy tín của Đảng với nhân dân nên được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Do đó, một trong những điểm mới quan trọng được Đại hội XIII đưa ra là “Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”. Đại hội khẳng định: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”. Việc phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng trong việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta thời gian qua, góp phần làm cho Đảng ngày càng trọng sạch, vững mạnh. Do đó, không thể cố tình phủ nhận những quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
bài rất thực tế
Trả lờiXóa