Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC – “THANH BẢO KIẾM NHIỆM MÀU” PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Trong điều kiện đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm vấn đề kiểm soát quyền lực khi trao cho cán bộ, đảng viên. Bởi vì, “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Do đó, nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha” bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Theo Hồ Chí Minh, muốn kiểm soát quyền lực phải có hai điều: “Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”.

Để kiểm soát quyền lực thì việc lựa chọn cán bộ phụ trách kiểm tra, giám sát, kiểm soát là yêu cầu quan trọng bậc nhất. Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải chú trọng lựa chọn những người biết đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, phải có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và “ít lòng tham muốn vật chất”, không vì cảnh nghèo mà thay lòng đổi dạ sinh ra bất liêm. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Theo Người, đây chính là căn cứ quan trọng bậc nhất trong đánh giá, lựa chọn cán bộ đảm trách công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, phải lựa chọn những người có đủ uy tín, kinh nghiệm, năng lực trình độ để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Không phải gặp việc gì, gặp ai cũng có thể phái đi kiểm tra, giám sát, kiểm soát được. Do đó, Hồ Chí Minh cho rằng: cán bộ phụ trách công tác kiểm tra trước hết phải là người lãnh đạo và “người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra”. Trong công tác kiểm tra, người lãnh đạo cần chú trọng xây dựng một đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và phải chịu trách nhiệm đối với công tác kiểm tra của mình. Đồng thời, Hồ Chí Minh phê phán rất nghiêm khắc những người lãnh đạo, cán bộ kiệm tra mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy: “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”.

Song song với việc lựa chọn cán bộ, để đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát quyền lực thực sự là “thanh bảo kiếm nhiệm màu” trong phòng, chống tham nhũng đòi hỏi phải có phương pháp đúng, nghĩa là kiểm tra, kiểm soát phải có hệ thống và sát thực tiễn. Mục đích của việc kiểm tra, kiểm soát quyền lực nói chung, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng là “để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”, tuyệt nhiên không phải là hành động “bới bèo ra bọ, quét nhà ra rác” rồi tìm cách hạ uy tín, hạ bệ nhau. Đối tượng kiểm tra theo Hồ Chí Minh bao gồm: Kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác - mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy. Trong quá trình kiểm tra không nên chỉ căn cứ vào các báo cáo, mà phải sâu sát thực tiễn đi đến tận nơi. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, hiệu quả công việc chính là thước đo đánh giá kết quả sử dụng quyền lực ủy thác. Thông qua công tác kiểm tra để xem những nghị quyết đó đã thực hành được đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, nhân dân có ra sức tham gia hay không. Trên cơ sở đó vừa phát huy ưu điểm, phát hiện cái mới, cái tốt hơn nhằm điều chỉnh phương thức lãnh đạo sát hợp hơn; đồng thời, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa dân, không sâu sát thực tiễn trong tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Ngoài ra, để kiểm tra, kiểm soát quyền lực không chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách mà quan trọng nhất cần phải dựa vào tai mắt của nhân dân. Trên thực tế, hầu hết các vụ việc tham nhũng đều do nhân dân phát hiện và tố giác. Muốn phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, kiểm soát quyền lực, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; phải công khai mọi hoạt động của Nhà nước; phải hình thành các thiết chế dân chủ để mọi người dân “biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Đây chính là cơ sở để người dân tham gia kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, của mọi cán bộ, đảng viên trong Nhà nước. Trên cơ sở đó, các hành vi tham nhũng dù tinh vi đến đâu cũng không thể che mắt nhân dân. Cán bộ phụ trách công tác kiểm tra phải thường xuyên gần gũi dân, lắng nghe dân, bảo vệ dân và học hỏi dân để phát hiện tiêu cực, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra cần phải công khai trừng trị cán bộ, đảng viên đã tha hóa, biến chất, suy thoái để răn đe, cảnh tỉnh và nêu gương “tự chỉnh đốn” trước quần chúng. Theo Hồ Chí Minh, Đảng không dũng cảm cắt bỏ ung nhọt, sâu bệnh sẽ rất khó để phòng ngừa tham nhũng. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh bác đơn xin ân giảm án tử hình của Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu được coi là điển hình của tinh thần “thượng tôn” pháp luật, đức trị kết hợp với pháp trị - thực sự có sức mạnh răn đe đối với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tha hóa quyền lực vào thời điểm lúc bấy giờ.

1 nhận xét:

  1. Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ; do đó phải chống tham nhũng triệt để.

    Trả lờiXóa