Với chủ trương “tôn trọng
tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, về cơ
bản, tình hình tôn giáo ổn định, các tổ chức tôn giáo và đại bộ phận chức sắc
hoạt động đúng quy định pháp luật, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường,
âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” của các thế lực thù địch đã làm cho đời sống
tôn giáo chịu tác động tiêu cực, tiềm ẩn nhiều “nguy cơ”. Trong đó, nổi lên các
vấn đề như: lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống Đảng và Nhà nước; vi phạm
pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an
toàn xã hội; thành lập các hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ; tổ chức hoạt động
tín ngưỡng, tôn giáo mê tín, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức
xã hội...
Mốc đánh dấu bước chuyển
biến quan trọng trong nhận thức của Đảng về tôn giáo là trong Nghị quyết
24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Đảng ta nêu lên vấn đề “đạo
đức tôn giáo” với cách nhìn “có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội
mới”. Đến Nghị quyết số 25-NQ/TW năm 2003, lần đầu tiên Trung ương Đảng ra nghị
quyết riêng về công tác tôn giáo. Nghị quyết khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo
là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc
trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng, Nhà nước thực hiện
nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, với nội dung cốt lõi là của
công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Trong Chỉ thị số
18-CT/TW (2018) của Bộ Chính trị khóa XII đã đề cập đến thuật ngữ “nguồn lực”
khi nhận định về những đóng góp của các tôn giáo.
Hiện nay, Nhà nước đã
công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16
tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000
chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. 16 tôn giáo gồm:
Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo
Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa,
Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu
Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương. Quan điểm của Đảng về “các nguồn lực của
các tôn giáo” xác định là những nguồn lực của các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được
Nhà nước công nhận nêu trên. Các nguồn lực của các tôn giáo rất đa dạng: nguồn
lực con người có tôn giáo; nguồn lực từ cơ sở vật chất, khả năng vận động, huy
động tài chính; những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo.... Các nguồn
lực tôn giáo đã tham gia vào quá trình phát triển xã hội, trong đó ưu thế, đóng
góp tiêu biểu ở các lĩnh vực giáo dục, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.
Nhận thức vai trò quan trọng
của vấn đề tôn giáo tại Việt Nam, trên cơ sở tình hình thực tiễn và vận dụng,
phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo nói chung và đoàn kết tôn giáo, Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra những nhận định, quan điểm,
chủ trương mới về tôn giáo.
Vấn đề đoàn kết tôn giáo
nằm trong tổng thể các nội dung của công tác tôn giáo, công tác xây dựng và củng
cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng nêu ra. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn
phát triển mới là: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc,
tín đồ “sống tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo và hoạt động theo quy định pháp luật
và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn
hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển
đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng
tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại
đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”.
Quán triệt tư tưởng Hồ
Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong điều kiện mới của đất nước, Đảng đã tiếp tục
nêu cao điểm tương đồng giữa cách mạng với tôn giáo, giữa lý tưởng xã hội chủ
nghĩa với lý tưởng tôn giáo, coi đó là một trong những cơ sở quan trọng để
thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng khẳng định trong điều kiện phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, tồn tại nhiều
thành phần kinh tế, nhiều bộ phận, tầng lớp dân cư có nhu cầu, nguyện vọng, đặc
điểm đời sống, tâm lý, theo những tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Mặt khác,
trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, có nhiều tôn giáo
truyền bá vào nước ta, các hoạt động tôn giáo cũng có mối liên hệ quốc tế rộng
mở hơn. Vì vậy, để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng phải chú trọng tìm
điểm tương đồng, tôn trọng những khác biệt không trái với lợi ích dân tộc, chủ
trương giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích thỏa đáng, phù hợp thì mới có được
sự đồng lòng, tin tưởng và phát huy cao nhất sức mạnh khối đại đoàn kết toàn
dân. Ở thời kỳ Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước, cơ sở để thực hiện đoàn kết tôn
giáo là mục tiêu đánh đổ đánh đổ đế quốc, thực dân để giành độc lập dân tộc và
đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội - chế độ xã hội công bằng, tốt đẹp cho tất cả
mọi người. Kế thừa quan điểm đó, ngày nay Đảng định hình rõ nét hơn ở mục tiêu
“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần
yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc”.
Nhằm tiếp tục phát huy
hơn nữa vai trò của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “Phát huy những giá trị văn
hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”.
Bên cạnh đề cao các giá
trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tôn giáo “vào
giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở
các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”, Đảng nêu ra các giải
pháp giải quyết vấn đề tôn giáo và phát huy sức mạnh của tôn giáo để xây dựng
khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa; gắn chặt chẽ với yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội
chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật. So với Đại hội XII, Đại hội XIII
không chỉ chủ trương “kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng,
tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” mà còn phải làm tốt
công tác “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống
“tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”;
mặt khác, “Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để
xảy ra các “điểm nóng”. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí
Minh trong bối cảnh các thế lực thù địch đẩy mạnh lợi dụng tôn giáo xâm phạm an
ninh quốc gia, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất trật tự xã hội như hiện
nay.
Đảng nhất quán chủ trương
tôn trọng, quan tâm, thể chế hóa trong luật pháp và đảm bảo trên thực tế đối với
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người. Đối tượng bảo đảm ở đây được
mở rộng, bao gồm các tổ chức, nhân dân trong nước và các tổ chức, cá nhân người
nước ngoài có tôn giáo khi họ sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam cũng như
người Việt ở nước ngoài khi về quê hương.
Văn kiện Đại hội nêu lên
một giải pháp quan trọng của công tác vận động tôn giáo là nâng cao năng lực,
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo. Các cơ quan chức
năng có nhiệm vụ giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng,
tâm linh của quần chúng; chủ động lắng nghe, giải quyết kịp thời nguyện vọng
chính đáng của đồng bào theo đạo; bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động
theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Đồng
thời, phê phán, đấu tranh, xử lý các biểu hiện tiêu cực liên quan đến tôn giáo
trong đó chú trọng “phòng ngừa, và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng
tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại
đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Có thể khẳng định, trên
cơ sở quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nhận thức đầy đủ
hơn, sáng rõ hơn về tình hình tôn giáo trong thực tiễn Việt Nam, tại Đại hội
XIII, Đảng đã có những chủ trương, giải pháp phù hợp, giải quyết thấu đáo những
vấn đề liên quan đến tôn giáo - những vấn đề luôn nhạy cảm, phức tạp trong tiến
trình cách mạng Việt Nam; qua đó góp phần quan trọng củng cố khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, phát huy nguồn lực tôn giáo, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Đoàn kết mới tạo nên sức mạnh tổng hợp
Trả lờiXóa