Xem xét trên cơ sở lý luận
và thực tiễn lịch sử xã hội loài người đều cho thấy, mỗi bước chuyển từ một
hình thái kinh tế - xã hội này đến hình thái cao hơn đều diễn biến trong thời
gian rất dài, có khi vài trăm năm hoặc vài nghìn năm. Vậy nên việc Đảng ta phân
định giai đoạn hiện nay của thời đại “quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa
xã hội trên phạm vi toàn thế giới” là tư duy sáng tạo, có tính khoa học xác thực
và cần thiết. Theo đó, việc nghiên cứu đặc điểm và xu hướng phát triển của thời
đại cũng được thực hiện trong khung khổ giai đoạn hiện nay của thời đại.
Khi đã xác định thời đại
ngày nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng
Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại ở nước Nga, thì rõ ràng nội dung của thời
đại ngày nay có hai vấn đề chính: Một là, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản
lên chủ nghĩa xã hội; hai là, mở đầu bằng Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại
ở nước Nga. Nhận định về nội dung thời đại như vậy là sự khái quát mang tính lý
luận và thực tiễn sâu sắc, đầy tính thuyết phục.
Tuy nhiên, sau khi chế độ
XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch lợi dụng sự
kiện này để công kích, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, bài bác những luận điểm
cơ bản nhất về thời đại. Lập luận của luận điệu sai trái là, nếu nói thời đại
hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội thì nay chủ
nghĩa xã hội sụp đổ rồi, thời đại này đương nhiên là của chủ nghĩa tư bản; rằng
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đã tàn lụi thì dù có trăm năm sau cũng
không thể gượng dậy được nữa.
Cách nhìn nhận như vậy rõ
ràng là thiếu kiến thức lịch sử và thiển cận. Quá trình chuyển biến và thay thế
một thời đại này bằng thời đại khác không thể diễn ra nhanh chóng được mà phải qua
một chặng đường dài. Quá trình đó là một xu thế tất yếu của xã hội loài người,
nhưng diễn ra quanh co, phức tạp, chứa đựng nhiều biến cố, có cả bước tiến mạnh
mẽ và cũng có cả những bước thụt lùi.
Sự đổ vỡ của XHCN ở
Đông Âu và Liên Xô đương nhiên là tổn thất nặng nề đối với phong trào cộng sản.
Sự sụp đổ ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nó không thuộc về bản chất của chế độ
XHCN, càng không phải vì thế mà làm mất đi nội dung thời đại. Lịch sử đã cho thấy
thời đại tư bản chủ nghĩa thay thế thời đại phong kiến đâu phải dễ dàng.
Quá trình chuyển biến đó
diễn ra hàng mấy trăm năm, trải qua biết bao phức tạp bởi sự chống trả quyết liệt
của các thế lực phong kiến. Tình hình hiện nay cũng tương tự như vậy. Thế lực đế
quốc không từ một thủ đoạn nào để mưu toan chặn đứng phong trào cộng sản. Điều
đó càng thể hiện tính chất phức tạp của thời đại ngày nay.
Kẻ thù tư tưởng của chúng
ta công khai tuyên bố rằng, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã sụp đổ thì giá trị của
Cách mạng Tháng Mười Nga cũng chấm hết. Đây là kết luận vội vã và hồ đồ. Đành rằng
thành quả mà Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại đã bị đổ vỡ tại ngay quê hương của
nó, nhưng đó không phải là sự chấm dứt lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười
Nga.
Vả chăng, lịch sử đã chứng
minh, không có một cuộc cách mạng nào, kể cả các cuộc cách mạng vĩ đại nhất, lại
đủ khả năng kết thúc ngay công việc xóa bỏ xã hội cũ và xây dựng xong ngay xã hội
mới. Quá trình chuyển từ xã hội phong kiến lên xã hội tư bản chủ nghĩa đã phải
trải qua hàng trăm năm với nhiều cuộc cách mạng tư sản: Cách mạng Anh năm 1688,
các cuộc cách mạng tư sản Pháp vào các năm 1830, 1848, 1871.
Sự đột phá của Cách mạng
Tháng Mười Nga làm cho chủ nghĩa tư bản bị đổ vỡ một mảng lớn. Thế giới bừng tỉnh,
bung ra với sức mạnh mới của sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội
làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Thành quả của Cách mạng
Tháng Mười Nga đã tạo cho loài người có khả năng kìm giữ sự lộng hành của chủ
nghĩa tư bản, làm thay đổi cả những yếu tố bên trong của chủ nghĩa tư bản. Những
thay đổi trong chiến lược kinh tế, chính trị để thích nghi, những thay đổi
trong các chính sách phúc lợi xã hội ở các nước tư bản phát triển hiện nay đều
bắt nguồn từ kết quả của xã hội đấu tranh của những người lao động và sâu xa
hơn là được ảnh hưởng những yếu tố tích cực của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Từ những phân tích trên đây, chúng ta càng thống nhất với nhận định của Đảng ta rằng, tình hình cụ thể trong từng thời kỳ của thế giới có những biến động nhưng điều đó không làm thay đổi nội dung của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn, nội dung và hình thức biểu hiện có nhiều nét mới.
bài rất thực tế
Trả lờiXóa