Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

BA NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA HIẾN PHÁP NĂM 1946 CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34-SL về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời gồm 7 người là: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (tên của vua Bảo Đại sau khi thoái vị), Đặng Thái Mai, Vũ Ngọc Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ủy ban: nghiên cứu xác định mô hình, xây dựng cấu trúc của một bản Hiến pháp dân chủ hoàn toàn mới, vừa đảm bảo tính lâu dài, vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

Tháng 11/1945, Ban dự thảo đã hoàn thành công việc và Bản dự thảo Hiến pháp được công bố cho toàn dân thảo luận. Người dân Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho Bản dự thảo Hiến pháp với những nội dung thể hiện mơ ước và khao khát ngàn đời về độc lập dân tộc, về các quyền và tự do của con người Việt Nam. Ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp 1946 được trình bày gồm lời nói đầu: 1. Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; 2. Bảo đảm các quyền tự do dân chủ; 3. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Bản Hiến pháp 1946 của nước ta, có 7 chương, 70 điều. Chương I quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ cộng hòa. Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật. Chương III quy định về nghị viện nhân dân. Chương IV quy định về Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc. Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp. Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Chương VII quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết Hiến pháp của dân.

  Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “... một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... Bản hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do… Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.

1 nhận xét: