Cần thẳng thắn thừa nhận
thực tế là từ khi nước nhà thống nhất cho đến nay có thời gian, có nơi công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa được coi trọng đúng mức. Đây là một trong những
nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số
cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu
hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội,
thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng,
lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Từ đánh giá đó, Đảng ta
đã đi vào “mổ xẻ từng ung nhọt trên cơ thể mình”. Trong Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã chỉ rõ các căn bệnh chính của cán bộ, công chức,
đảng viên đó là: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng,
ham quyền lực, bè phái cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước
khó khăn, bức xúc của dân... Các căn bệnh như đã nêu được Đảng ta quy thành
hai nhóm, đó là những hành vi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và nhóm những
việc làm sai trái trong công tác cán bộ mà cụ thể là tình trạng chạy chức, chạy
quyền.
Nguyên nhân cơ bản của những
căn bệnh trong Đảng và hệ thống chính trị dù ở nhóm nào cũng từ chủ nghĩa cá
nhân (CNCN) mà ra. Đảng ta coi CNCN như một thứ vi trùng vô cùng độc hại gây ra
đủ các thứ bệnh rất nguy hiểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Chủ nghĩa
cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu
diệt nó”. Từ chỗ coi CNCN là “kẻ thù của cách mạng”, Đảng ta xác định, đấu
tranh chống CNCN là một nội dung trọng tâm và cũng là một giải pháp rất quan trọng
trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Có thể nói Đảng ta đã “bắt
đúng bệnh”, vấn đề còn lại là tìm “đúng thuốc” để phòng ngừa, chữa trị.
Những căn bệnh mà cán bộ,
công chức, đảng viên dễ mắc phải không khó để nhìn thấy, nhận thấy nhưng khi đi
vào mổ xẻ, phân tích để công khai, chỉ tên từng con người cụ thể là việc không
hề đơn giản. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Xây dựng, chỉnh
đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người,
rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng
ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân
mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác...”. Mục đích của tự phê bình và
phê bình theo đúng nghĩa rất nhân văn và hữu ích. Nhưng với không ít người sau
khi đối mặt với phê bình, chỉ trích, danh dự, uy tín bị ảnh hưởng đã sa sút ý
chí phấn đấu, giảm sút tinh thần, thậm chí có người tìm cách trả đũa người đã
phê bình mình... Nói như thế để thấy cuộc đấu tranh phòng ngừa, điều trị những
căn bệnh trong Đảng rất khó khăn, phức tạp.
Dân gian có câu "Thuốc
đắng dã tật, sự thật mất lòng". Những lời chỉ trích mạnh mẽ, những hình thức
xử lý kỷ luật dù khó chấp nhận, nhưng lại góp phần rất quan trọng vào sự phát
triển, thành công của mỗi cán bộ, công chức, đảng viên cũng như từng tập thể, tổ
chức trong Đảng và hệ thống chính trị. Trong 5 năm (2016 - 2020), hơn 25.000
cán bộ, đảng viên suy thoái, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự
chuyển hóa" bị kỷ luật, trong đó hơn 8.200 đảng viên bị xử lý kỷ luật do
suy thoái về tư tưởng chính trị, hơn 15.000 cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo
đức, lối sống; hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật và xử lý hình
sự, trong đó có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương và 4 Ủy viên, nguyên Ủy
viên Bộ Chính trị… Những con số biết nói ấy đã phần nào thể hiện rõ tinh thần
quyết tâm, tính chất quyết liệt của Đảng ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ
thống chính trị.
Sự dũng cảm, mổ sẻ và
kiên quyết chặt bỏ những “cành sâu mọt” ấy không làm Đảng ta yếu đi mà thực sự
đã và đang làm cho Đảng ta ngày càng mạnh lên. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém mà
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra đã được khắc phục. Bước đầu chúng ta đã
ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Những kết quả đã
đạt được trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã khẳng định trong xã hội ta công tội
rõ ràng, tốt xấu phân minh, trắng đen không thể lẫn lộn. Đảng và Nhà nước ta
không thể để những người suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,
tự tung tự tác làm tổn hại tới thanh danh của Đảng và hệ thống chính trị.
Có thể khẳng định, những kết quả bước đầu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần cảnh báo, răn đe, giáo dục với đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên trong Đảng và hệ thống chính trị; làm cho xã hội trong sạch, lành mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ được củng cố và tăng cường. Đây là nguồn động lực to lớn để Đảng ta tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
bệnh gì cũng phải chữa
Trả lờiXóa