Ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu
tiên, Đảng xác định sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ bạo lực phản cách mạng.
Trên cơ sở đó, Đảng đã sớm đề ra chủ trương tổ chức và lãnh đạo lực lượng vũ
trang. Tại Đại hội I của Đảng (tháng 3-1935), trong Nghị quyết về “Đội tự vệ” -
bước đi ban đầu trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng - Đảng xác định:
“Công nông cách mạng Tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương,
quân ủy của Đảng Cộng sản”. Khi mới thành lập (ngày 22-12-1944), thực hiện theo
chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã
thể hiện rõ sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh
hệ thống chỉ huy có chi bộ đảng, bên cạnh người chỉ huy có chính trị viên. Từ
khi thành lập đến nay, quân đội luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng. Sự
lãnh đạo đó được thực hiện theo nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp,
toàn diện”, “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, thống nhất về mọi mặt”, “Đảng
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với quân đội. Tuy cách diễn đạt mỗi
thời kỳ lịch sử có khác nhau, nhưng bản chất cốt lõi đều là một, đó là, Đảng Cộng
sản Việt Nam là lực lượng duy nhất thực hiện quyền lãnh đạo Quân đội nhân dân
Việt Nam. Sự lãnh đạo đó thể hiện ở những vấn đề bao trùm có tính toàn diện:
xác định đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng tổ chức, biên chế, bảo đảm vũ
khí, trang bị, hiện đại hóa quân đội; phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự;
tổ chức nuôi dưỡng bộ đội; tiến hành công tác đảng, công tác chính trị,…,
Đảng đã quy định cụ thể về hệ thống tổ chức đảng, tổ
chức chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, tổ chức quần chúng các cấp
trong quân đội, để luôn giữ vững được vai trò lãnh đạo đối với quân đội, không
ngừng xây dựng và phát huy bản chất, truyền thống “trung với Đảng, hiếu với
dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã
hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng
đánh thắng”(2) của quân đội. Trong quá trình ra đời và phát triển, quân đội
đã làm tốt vai trò là chỗ dựa vững chắc cho toàn dân khởi nghĩa đấu tranh giành
chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làm nòng cốt cho toàn dân đánh
giặc, lập nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), hoàn thành sự nghiệp giải phóng
dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày thống nhất đất nước, do hậu quả chiến tranh
và những yếu tố tác động khác nhau, đã có giai đoạn, đất nước rơi vào khủng hoảng
kinh tế - xã hội trầm trọng, kéo dài; đời sống cán bộ, chiến sĩ gặp rất nhiều
khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược
ở hai đầu đất nước (biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc). Dù thách thức
đặt ra nặng nề, nhưng quân đội vẫn một lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và
nhân dân, vượt mọi khó khăn, chiến đấu kiên cường, kiên định với mục tiêu, lý
tưởng của Đảng. Trong thời kỳ đổi mới, với chủ trương xây dựng theo hướng cách
mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đội quân cách mạng ấy đã và
đang thể hiện rõ là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy,
nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tham gia phát triển kinh tế, giải quyết
các vấn đề xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn,
phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Nhân tố quyết định
để quân đội làm nên những thành tích mới ấy cũng xuất phát từ vai trò lãnh đạo
tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Nhìn rộng ra, cách mạng thế giới đã để lại nhiều bài học
đắt giá, nếu đảng cộng sản buông lỏng lãnh đạo đối với quân đội, thì cách mạng
đứng trước nguy cơ thất bại. Sự khủng hoảng và sụp đổ của Liên Xô và các nước
xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, sự tan rã, mất phương hướng của quân đội các nước
này ở cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX do nhiều nguyên nhân,
trong đó có nguyên nhân từ việc buông lỏng và tiến tới thủ tiêu nguyên tắc lãnh
đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội (trước đó, trong một thời gian dài, quân
đội Liên Xô bỏ hệ thống tổ chức đảng từ toàn quân đến cơ sở). Đó chính là sai lầm
trầm trọng mà Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc phải trong lãnh đạo quân đội. Điều
đó càng đặt ra yêu cầu trong việc quán triệt, thực hiện nhiệm vụ của cách mạng
Việt Nam là phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng
vũ trang, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng
trong quân đội.
Trong tiến trình đổi mới từ Đại hội VI đến Đại hội
XIII, Đảng đều xác định chủ trương giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với quân đội, đề ra những chủ trương, giải pháp lãnh đạo xây dựng quân đội cách
mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị khóa IX ban
hành Nghị quyết số 51-NQ/TW, “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo
của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy,
chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Sự vững mạnh về chính trị
của quân đội, sự phát triển về chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của
quân đội sau 16 năm thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW đã chứng minh tính đúng đắn
của việc xác lập lại chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội. Đại hội đại
biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các nhiệm vụ
trọng tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ
Quân đội trong 5 năm tới, trong đó tiếp tục khẳng định phải giữ vững và tăng cường
sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Trong giai đoạn phát triển mới, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đại hội chủ trương: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét