Thực tiễn hơn 92 năm lãnh
đạo cách mạng, đặc biệt những nhiệm kỳ gần đây của Đảng đã khẳng định: Kết quả
của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng góp phần rất quan trọng có tính quyết định
vào thành tựu chung của đất nước. Nhờ những kết quả đạt được trong xây dựng, chỉnh
đốn Đảng mà Đảng ta đoàn kết, thống nhất hơn; TSVM hơn; niềm tin của nhân dân đối
với Đảng, Nhà nước và chế độ được củng cố, nâng cao hơn. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng
là bài học quý báu, là vấn đề then chốt quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng,
có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta và chế độ ta. Nhận thức cho đúng đắn, sâu sắc
về vị trí, ý nghĩa và nội dung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hết sức
quan trọng.
Tạo bước chuyển mới trong
nhận thức không chỉ là cơ sở nền tảng mà còn là chìa khóa phát huy tinh thần
trách nhiệm, nêu cao ý chí, quyết tâm, kiên quyết, kiên trì, linh hoạt, sáng tạo,
đoàn kết vượt khó trong quá trình thực hiện các Nghị quyết, Kết luận, Quy định
của Đảng ta. Bước chuyển trong nhận thức chính cũng là cơ sở để nâng cao tinh
thần trách nhiệm, ý thức, thái độ nghiêm túc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của
đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Chính vì thế trong Chương trình hành động
thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của các tổ chức đảng cũng như cá
nhân các đảng viên, yêu cầu đầu tiên đặt ra là phải nâng cao nhận thức.
Một trong những kinh nghiệm
mà Đảng ta rút ra qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là tạo sự chuyển
biến rõ nét trong nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Muốn tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
đưa công tác này lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị TSVM thì
trước hết đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên của Đảng phải có nhận thức đúng
đắn, đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng và những nội dung của nhiệm vụ
“then chốt” này. Mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu:
“Phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của
kết luận và quy định, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải
làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách
nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện”.
Ý thức rõ sự cần thiết phải
tạo được bước chuyển biến mới về nhận thức nên thời gian qua các tổ chức đảng đặc
biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến, quán triệt các quan
điểm, tư tưởng chỉ đạo, chủ trương, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ
thống chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những
ưu điểm, nhận thức về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn những khoảng trống.
Những biểu hiện nhận thức lệch lạc, thiếu đúng đắn, chưa sâu sắc về nhiệm vụ
“then chốt” vẫn tồn tại ở một số cấp ủy và cán bộ, đảng viên. Tồn tại đầu tiên
trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
chỉ ra là: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản
lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng”.
Thực tế tại nhiều địa
phương, không phải cán bộ, công chức, đảng viên nào cũng hiểu rõ tính chất quan
trọng, cấp bách, cần thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một nguyên
nhân dẫn đến hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" bị xử lý kỷ luật trong 5 năm thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XII đó là nhận thức về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn
hời hợt, nên tổ chức thực hiện chưa tốt, có biểu hiện xem nhẹ, hình thức.
Chủ trương tăng cường
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị TSVM mà Đại
hội XIII của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Vậy mà trong một số
ít cán bộ, đảng viên xuất hiện những suy nghĩ, tư tưởng, quan điểm sai trái khi
cho rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị là hai công việc
khác nhau. Xây dựng hệ thống chính trị là công việc của chính quyền. Đảng gắn
hai công việc đó là lạm quyền, khiên cưỡng, không phù hợp. Việc Đảng ta ban
hành các quy định cũng có ý kiến cho là chồng chéo, không cần thiết bởi các nội
dung ấy điều lệ, pháp luật đã quy định rồi...
Đây là khoảng trống rất
nguy hiểm trong nhận thức của cán bộ, công chức và đảng viên. Đặc biệt, các thế
lực thù địch, phản động lợi dụng khoảng trống này bóp méo, xuyên tạc nhằm chống
phá Đảng ta.
Thực hiện Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
phải đặc biệt coi trọng và nâng lên một tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ
thống chính trị TSVM. Mấu chốt để thực hiện có hiệu quả công tác “then chốt”
này là phải khắc phục cho được những hạn chế trong nhận thức.
Để làm được điều này,
chúng ta cần tiến hành đồng bộ và toàn diện nhiều biện pháp. Trước hết, phải
tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục làm cho mọi cán bộ, công chức, đảng
viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ vai trò chủ trì, chủ chốt, đứng đầu các địa
phương, cơ quan, đơn vị nhận thức đúng đắn, sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thông qua tuyên truyền
giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ về sự phát triển mới của Đảng
ta.
Thực tiễn cho thời gian
qua cho thấy năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của nhiều tổ
chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa
thực sự TSVM như mong muốn; không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có
chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu
cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy
định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự;... Tại
Đại hội XII, Đảng ta xác định: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”
nhưng trước thực trạng trên, tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Như vậy,
không chỉ đề cập đến công tác xây dựng Đảng mà song hành Đảng ta xác định phải
thường xuyên chỉnh đốn Đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn với
xây dựng hệ thống chính trị TSVM. Sự phát triển này là hoàn toàn đúng đắn, cần
thiết và rất quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên phải nhận
thức cho rõ ràng và sâu sắc.
Mặt khác, công tác tuyên
truyền giáo dục cần làm cho cán bộ, công chức, đảng viên hiểu rõ Hiến pháp 2013
và Điều lệ Đảng đã quy định Đảng ta là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Do đó, năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng chi phối
tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ, hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị. Hay nói
cách khác, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị
chính là thước đo năng lực lãnh đạo, địa vị cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng
ta. Cán bộ, công chức, đảng viên cần hiểu rõ những quan điểm, tư tưởng trái chiều
như đã nêu là do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc kẻ xấu lợi dụng bóp méo,
xuyên tạc nhằm động cơ chống phá.
Do đó cùng với công tác tuyên truyền giáo dục, quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là lực lượng chuyên trách phải dũng cảm, kiên quyết đấu tranh với những nhận thức sai lệch, những tư tưởng, quan điểm sai trái nhằm phá hoại công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị TSVM của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa