Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

BÓNG TỐI DƯỚI CHÂN TƯỢNG NỮ THẦN TỰ DO

Cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành theo con tàu đến Mỹ. Điện tín của Chánh mật thám Sài Gòn sau này ghi lại: Ngày 15-12-1912, từ New York, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha. Thư cho biết, anh đã gửi cho cha mình ba ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một lần trả lời.

Thời gian ở Mỹ, Người dành một phần thời gian để lao động kiếm sống, còn phần lớn thời gian dành cho học tập, nghiên cứu. Nữ tác giả Josephine Stenson, một nhà sử học người Mỹ đã tự bỏ tiền túi ra để đi khắp những nơi mà Bác Hồ đặt chân tìm hiểu, sau này đã phát biểu sâu sắc về Bác Hồ tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1990) ở Hà Nội.

Bà viết: “…Tôi nghĩ ngay đến Tượng thần Tự do ở quê hương tôi. Tôi là nhà sử học, tôi đã lật ra xem những trang ghi cảm tưởng của mọi chính khách khi họ đến tham quan và chiêm ngưỡng Tượng thần Tự do và ca ngợi thần Tự do, Nguyễn Tất Thành khi đến New York cũng đã đến chiêm ngưỡng Tượng thần Tự do và mọi chính khách, sau khi đã đến tham quan thần Tự do đều ghi cảm tưởng bằng những lời ca ngợi Ngôi sao tỏa sáng trên vòng Nguyệt quế là ánh sáng tự do... Duy chỉ có Nguyễn Tất Thành đến xem thần Tự Do nhưng nhìn xuống dưới chân tượng và ghi “Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Duy nhất chỉ có Nguyễn Tất Thành nhìn xuống chân Tượng thần Tự do và ghi lại những ý kiến trên. Nguyễn Tất Thành nhìn số phận con người chứ không chiêm ngưỡng hào quang tỏa sáng từ bức Tượng thần Tự do".

1 nhận xét:

  1. Chúng ta thật tự hào là người con của Việt Nam, là con cháu Bác Hồ; chúng ta nguyện sẽ suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa