Tiến trình “quân sự hóa” Biển Đông (BĐ) của Trung Quốc (TQ)
được thực hiện từ lâu, dưới nhiều hình thức, bằng các bước đi tuần tự, nhưng
mạnh mẽ nhất là từ năm 2014 và gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Đó là
việc bồi đắp, cải tạo các cấu trúc đá, rạn san hô thành các đảo nhân tạo; xây
dựng các công trình; triển khai vũ khí, trang bị ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
thuộc chủ quyền Việt Nam mà TQ đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép. Hành động
“quân sự hóa” BĐ của TQ đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực
nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung
I. MƯU ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC
1. Hành động
a. Mở rộng đảo
Đảo Phú Lâm thuộc
quần đảo Hoàng Sa có diện tích ban đầu là 2,13km2, đã được mở rộng lên
hơn 3km2. Hiện nay, TQ đang tiếp tục bồi lấn, xây dựng phi pháp nhằm tăng diện
tích của nhóm đảo An Vĩnh gồm 7 đảo, đá, cồn cát (đảo Bắc, đảo Trung, đảo Nam,
cồn cát Bắc, cồn cát Giữa, cồn cát Nam và đảo Cây) lên 15km2, gấp nhiều lần so
với tổng diện tích ban đầu là 1,32km2. Bắc Kinh bắt đầu bồi đất kết nối đảo
Bắc, đảo Trung và đảo Nam từ tháng 5 năm 2014, đến nay đã có một dãy đất nhân
tạo nối liền đảo Bắc và đảo Trung. Ở đảo Cây, TQ sẽ xây bến cảng và một cây cầu
dài khoảng 10km nối liền cụm đảo An Vĩnh với đảo Phú Lâm tạo thành một thể
thống nhất.
Ở quần đảo Trường Sa: Đá Chữ Thập, Xu bi, Gạc Ma, Châu
Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, bị TQ chiếm đóng trái phép từ năm 1988, những năm gần
đây TQ đã và đang liên tục mở rộng các đá này.
Đá Chữ Thập, từ một công trình nhỏ được xây dựng sau khi
chiếm đóng trái phép, TQ biến nơi đây thành một đảo nhân tạo với diện tích hơn
2,74km2, gấp gần 3 lần đảo tự nhiên lớn nhất Trường Sa là Ba Bình.
Đá Xu Bi, tổng diện tích bồi lấn, cải
tạo là hơn 3,9km2 và vẫn đang được mở rộng.
Đá Gạc Ma, từ năm 2012 đến năm 2015, diện tích bồi đắp lên
0,109km2, gồm 6 công trình khác nhau cùng một khu vực cảng.
Đá Châu Viên, đến năm 2015, diện tích
phần cải tạo được mở rộng khoảng 0,119 km2.
Đá Ga Ven, là một rạn san hô, nhưng đến tháng 3 năm
2015, TQ đã bồi đắp thành một hòn đảo với diện tích 0,114km2.
Đá Tư Nghĩa, có diện tích xây dựng năm 2012 là 0,004128km2,
năm 2015 đã được mở rộng là 0,075km2. Hiện các hoạt động xây dựng của TQ trên
đá Tư Nghĩa vẫn đang diễn ra.
Đá Vành Khăn, năm 2015, TQ đã bồi đắp 5,58 km2 (lớn nhất
trong các đá được bồi đắp) và vẫn đang tích cực đẩy nhanh tốc độ mở rộng đảo,
biến nơi đây thành một căn cứ hải quân.
Nhìn chung các hoạt động bồi đắp, mở rộng đảo trái phép của
TQ diễn ra đồng thời trên khắp các đảo, đá, cồn cát với tốc độ rất nhanh. Những
hành động trên là tiền đề để hậu thuẫn cho những hành động tiếp theo của họ.
b. Xây dựng đường băng, cầu cảng
Gần như đồng thời, trên các đảo, đá, cồn cát đã được mở rộng,
TQ cho nâng cấp, xây mới nhiều cảng nước sâu, công trình quân sự như cầu tàu,
đường băng, cầu cảng phục vụ cho việc đậu đỗ, đồn trú của tàu chiến, máy bay...
Trên đảo Phú Lâm, đường băng cũ đã được
thay bằng một đường băng hiện đại hơn có chiều dài khoảng 3km. Bắc Kinh còn xây
một cảng hàng không với đường băng dài 3,5km trên đảo Cây. Sau khi hoàn tất,
kết nối 7 đảo, cồn cát, thì tổ hợp gồm đảo Bắc, đảo Trung sẽ có diện tích gần
5km2 đủ để xây một sân bay. Cách căn cứ quân sự hải quân Ngọc Lâm (đảo Hải Nam)
khoảng 300km về phía Đông Nam nên đảo Bắc trở thành địa điểm “lý tưởng” để TQ
lắp đặt các thiết bị giám sát hoạt động của tàu mặt nước, tàu ngầm xuất phát từ
căn cứ Ngọc Lâm. Đồng thời, trên đảo Quang Hòa gần đảo Bắc một căn cứ có 8 bãi
đỗ cho trực thăng chống ngầm đã được hoàn thiện và 4 bãi khác sẽ sớm hoàn
thành. Việc TQ xây căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hoà cho thấy, Bắc Kinh đang
phát triển một mạng lưới căn cứ quân sự trên BĐ, nhằm hỗ trợ các hoạt động
chống ngầm của trực thăng (trên thực tế Bắc Kinh đã đưa trực thăng săn ngầm ASW
Z-18F ra khu vực này). Ngoài ra, nếu TQ xây thêm các căn cứ trực thăng và trạm
tiếp nhiên liệu khác trên các đảo ở BĐ thì sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho
trực thăng của họ hoạt động liên tục ở khu vực này.
Ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây 3 đường băng quân
sự ở đá Chữ Thập, Xubi và đá Vành Khăn dài trên dưới 3.000m... Ở đá Gạc Ma,
TQ cũng đã xây dựng một đường băng dài gần 2000m. Như vậy, TQ sắp có 5 đến 6
đường băng ở BĐ. Cụ thể, 2 đường băng ở quần đảo Hoàng Sa, 3 hoặc 4 ở quần đảo
Trường Sa.
Không chỉ xây dựng đường băng, TQ còn đẩy mạnh việc xây dựng
hệ thống cơ sở hạ tầng có đủ điều kiện triển khai các loại vũ khí, trang bị cho
không quân, hải quân của họ. Từ trước năm 2013, TQ xây dựng trên đá Châu Viên
bãi đỗ trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự... Hiện nay, nhiều công
trình vẫn đang tiếp tục được xây dựng.
Trên đá Ga Ven TQ đã xây dựng bệ súng, pháo phòng không,
tháp phòng thủ, bãi đỗ trực thăng... Đá Tư Nghĩa là các công sự ven biển, 4 tháp
phòng thủ, cầu cảng, cơ sở quân sự đa cấp, bãi đỗ trực thăng, hải đăng... cũng
được xây dựng kiên cố. Đá Gạc Ma đang được xây dựng để trở thành khu căn cứ
quân sự tổng hợp, có thể đón các tàu tải trọng trên 5.000 tấn.
Với những căn cứ không quân, hải quân hỗn hợp trên quần đảo
Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa sẽ mang lại cho TQ khả năng
khống chế tuyến đường biển, đường không qua lại BĐ. Khi hoàn thành công việc
bồi đắp, xây dựng xong các căn cứ quân sự ở Hoàng sa, Trường Sa, năng lực tiến
công quân sự trong khu vực của TQ sẽ gia tăng đáng kể, từ đó, họ dễ dàng ngăn
cản hoạt động của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền trên BĐ.
c. Triển khai vũ khí, trang bị kĩ thuật
Nhiều bằng chứng cho thấy, TQ không chỉ đẩy mạnh xây dựng cơ
sở hạ tầng, mà còn triển khai nhiều loại vũ khí, trang bị ở quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa như: tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa chống hạm YJ-62, máy
bay chiến đấu J-11, JH-7 ở Phú Lâm, tổ hợp pháo phòng không tự hành có khí
tài LD-2000 ở đảo Quang Hòa (Hoàng Sa); các đài rađa ở Châu Viên, Gạc Ma, Tư
Nghĩa (Trường Sa)... Việc lắp đặt các đài rađa sẽ giúp TQ tăng cường khả
năng kiểm soát các hoạt động hàng hải và hàng không từ eo biển
Malắcca đến Biển Đông.
Đáng chú ý HQ-9 là tổ hợp tên lửa phòng không có tầm hỏa lực
đến 200km, là mối đe dọa các máy bay và các phương tiện tiến công đường không ở
khoảng cách từ xa. YJ-62 là tên lửa chống hạm tầm xa, tốc độ cận âm thế hệ mới
do TQ chế tạo có tầm bắn 400km. Máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4 J-11 có bán
kính chiến đấu khoảng 2.000km. Khi triển khai trên đảo Phú Lâm, J-11 có thể
hoạt động từ Vịnh Bắc Bộ đến khu vực vượt khỏi quần đảo Trường Sa. Máy bay tiêm
kích - bom JH-7 có bán kính chiến đấu 1.650km. Tổ hợp pháo LD-2000 sử dụng đạn
30mm, tầm bắn khoảng 3.000m. LD-2000 cải tiến còn được tích hợp 6 tên lửa phòng
không TY-90 có tầm bắn từ 3.000m đến 6.000m.
Cùng với việc triển khai tên lửa, máy bay, đài rađa và nhiều
loại vũ khí, trang bị khác đến các đảo đang chiếm đóng thì lực lượng tàu hải
cảnh, tàu cá cũng là một phương tiện để TQ đe dọa, chèn ép các nước khác ở BĐ.
d. Vũ trang tàu chấp pháp
Đầu năm 2012, TQ triển khai khoảng 1.470 tàu chấp pháp cho
các lực lượng chấp pháp gồm Cảnh sát Biển, Hải giám, Ngư chính… Phần lớn các
tàu này hoạt động ở BĐ. Nguy hiểm hơn, trong số đó, một số tàu có độ choán nước
khoảng 4.000 tấn (tương đương các loại tàu chiến cỡ lớn) và được trang bị vũ
khí hạng nặng. Điển hình như tàu Ngư chính 310 (2.580 tấn) được gắn súng máy
hạng nặng và có thể mang theo 2 trực thăng tiến công Z-9A. Tàu Ngư chính 311
với độ choán nước 4.450 tấn cũng sở hữu khả năng tác chiến tương tự Ngư chính
310.
Bắc Kinh đã liên tục điều động số tàu trên tham gia các hoạt
động “dân sự” gây rối BĐ. Cụ thể, tháng 6 năm 2011, tàu Ngư chính 311 cùng tàu
Ngư chính 303 làm nhiệm vụ yểm trợ để tàu cá ngang nhiên phá cáp tàu thăm dò
Viking 2 của Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình.
Như vậy, các hành động của Bắc Kinh ở BĐ như xây đảo, xây
đường băng, triển khai các loại máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không hiện
đại, rađa vũ trang tàu chấp pháp đã đánh dấu một bước thay đổi lớn về lực lượng
quân sự của Bắc Kinh và đặt ra thách thức mới cho khu vực. Những hành động của
TQ sẽ làm tình hình ngày càng căng thẳng hơn và gia tăng nguy cơ đụng độ giữa
TQ với các nước khác dù vô tình hay cố ý.
đ. Tăng cường các hoạt động tập trận
Thời gian gần đây, TQ đã tổ chức rất nhiều cuộc tập trận
trên BĐ. Từ tháng 9 năm 2012 đến đầu năm 2013, Hạm đội Nam Hải đã tiến hành tập
trận tại khu vực BĐ, trung bình 2 lần/tháng; trong đó có sử dụng máy bay không
người lái tăng cường giám sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 16.12.2015, Quân đội TQ tiến hành tập trận ở BĐ với sự
tham gia của nhiều tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Lực lượng tập trận
được chia thành hai đội, đỏ và xanh với nhiều kịch bản, trong đó có kịch bản
tiến công bằng tên lửa hành trình; tàu chiến TQ đẩy lùi các cuộc tiến công bằng
tên lửa chống hạm của đối phương, đặc biệt là sự phối hợp hiệp đồng giữa các
tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm và máy bay chiến đấu.
Tiếp đó, trong tháng 01 và tháng 3 năm 2016, Hạm đội Nam Hải
lại tiến hành tập trận bắn đạn thật ở BĐ. Tham gia tập trận có 3 khu trục hạm
Type 052D là Quảng Châu, Vũ Hán và Châu Hải. Những tàu này tổ chức thành đội
diễn tập đối kháng, chống ngầm và ngăn chặn “máy bay địch”. Type 052D được cho
là loại tàu khu trục hiện đại nhất mà nước này chế tạo, tàu được trang
bị tên lửa hạm đối không HQ-9 và tên lửa hạm đối hạm siêu âm Club-N.
Có thể khẳng định, những hình thức tập trận, diễn tập quân
sự này được xem như Bắc Kinh đang tập dượt điều động lực lượng viễn chinh đến
tác chiến ở vùng biển quần đảo Trường Sa và nằm trong một chiến lược nhất quán,
không thay đổi của TQ là độc chiếm BĐ.
2. Mưu đồ
a. Độc chiếm Biển Đông
Từ khi "nước TQ mới" thành lập (1949), dù giới
lãnh đạo nước này do ai nắm quyền lực, có xảy ra biến cố gì hay không thì chiến
lược bá quyền, âm mưu độc chiếm BĐ, mở đầu cho việc bá chủ thế giới chưa bao
giờ thay đổi và TQ vẫn luôn áp dụng ở các cấp độ khác nhau. Bằng việc bồi đắp,
xây dựng quy mô lớn, TQ đang biến các đá ở Trường Sa, Hoàng Sa thành những đảo
nhân tạo và nâng cấp lên thành nơi có điều kiện thích hợp cho con người sinh
sống, có đời sống kinh tế riêng. Sau đó họ sẽ vin vào chủ quyền đối với các hòn
đảo mới để tuyên bố đường cơ sở, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh
mỗi hòn đảo do họ tạo ra (cho dù trái với các quy định của UNCLOS). Họ sẽ biến
các vùng đặc quyền kinh tế của các nước liên quan, như Việt Nam, Philíppin,
Brunây, Malaixia thành vùng có tranh chấp. Từ đường cơ sở đó, họ có thể đòi chủ
quyền ở các vùng biển xung quanh, chứng minh “đường lưỡi bò” là phù hợp với
Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Rõ ràng, tất cả những hành động của TQ đều nhằm củng cố
quyền lực trên BĐ và khẳng định chủ quyền trong “đường lưỡi bò” (chiếm 80% diện
tích BĐ) do họ tự vẽ ra. Đồng thời, Bắc Kinh còn muốn thay đổi cán cân quyền
lực ở châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ hiện vẫn đang giữ vị trí thống trị.
b. Đẩy Mỹ ra khỏi khu vực
Với việc đưa các đài rađa, tổ hợp tên lửa phòng không, máy
bay chiến đấu... tới đảo Phú Lâm, trên thực tế TQ đã mở rộng quyền kiểm soát
vùng biển, vùng trời thêm 1.000km xuống phía Nam, bao trùm cả quần đảo Trường
Sa. Điều này sẽ cho phép TQ có thể lợi dụng các tiền đồn tại quần đảo Trường Sa
để mở rộng vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) về phía Nam, phía Đông,
đến vùng biển Philíppin và biển Sulu. Máy bay chiến đấu của Bắc Kinh sẽ thuận
lợi hơn khi muốn ngăn chặn máy bay của Oasinhtơn ngay cả khi chúng ở cách xa bờ
biển TQ.
Trung Quốc hy vọng, trước những hành động của họ có thể Mỹ
sẽ phải nhượng bộ và rút lui nếu không muốn chiến tranh xảy ra. Như vậy, rõ
ràng TQ sẽ đẩy được Mỹ ra khỏi khu vực BĐ. Từ đó, họ dễ dàng kiểm soát cả khu
vực châu Á - Thái Bình Dương.
c. Nâng cao năng lực kiểm soát, giành ưu thế quân sự
Việc TQ bồi lấp quy mô lớn các bãi đá ngầm, thành những hòn
đảo nhân tạo mang lại triển vọng về chiến lược quân sự, tạo ra thế trận
“mạng nhện” ngay trong lòng BĐ. Diện tích khá lớn của đảo nhân tạo cho
phép triển khai các phương tiện quân sự như các đài ra đa, tổ hợp tên lửa
phòng không, tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu, trực thăng, các tàu đổ
bộ, tàu đệm khí… Khi TQ lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống rađa cảnh báo sớm ở các
đá trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa sẽ thiết lập quyền kiểm soát trên vùng
biển, vùng trời tạo thành mạng lưới có khả năng bao quát toàn bộ khu vực BĐ.
Với các đường băng dài tới 3.000m, đủ
cho tất cả các loại máy bay quân sự cất hạ cánh, cho phép lực lượng không quân
TQ mở rộng tầm hoạt động của máy bay để bao quát toàn bộ BĐ và xa hơn nữa. Khi
triển khai máy bay ném bom chiến lược H-6 ở đây, Quân đội TQ còn có thể đe dọa
an ninh các quốc gia trong khu vực, thậm chí cả căn cứ quân sự của Mỹ ở
Ốtxtrâylia. Mặt khác, có thể gọi căn cứ quân sự của TQ trên các hòn đảo ở BĐ là
một dạng “tàu sân bay không chìm”. Nếu Bắc Kinh cho triển khai các tên lửa đạn
đạo phóng từ tàu ngầm ở đây, thì TQ có khả năng răn đe và “hủy hoại ô hạt nhân”
của Mỹ trước các đồng minh trong khu vực.
Rõ ràng, với việc “quân sự hóa”, kiểm soát toàn bộ BĐ, TQ
không chỉ đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải mà còn uy hiếp
đến độc lập, chủ quyền của các quốc gia trong khu vực.
II. TÁC ĐỘNG
1. Đe dọa hòa bình khu vực
Bằng hành động quân sự phiêu lưu, TQ đang có những toan tính
nhằm khống chế, ngăn cản hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế qua BĐ, thách
thức và răn đe các nước ASEAN, các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ,
Ốtxtrâylia… Động thái trên rõ ràng là một bước leo thang quân sự mới cực kỳ
nguy hiểm, bộc lộ chủ trương “quân sự hóa” khu vực BĐ ngày càng trắng trợn của
TQ. Đây là hiểm họa thật sự cho nền quốc phòng, an ninh của các quốc gia trong
khu vực mà trực tiếp là Việt Nam, Philíppin, Malaixia; đe dọa an ninh, an toàn,
tự do hàng hải và hàng không ở BĐ. Hành động của TQ đã đe dọa hòa bình, ổn định
của các nước trong khu vực, có thể sẽ châm ngòi cho nguy cơ chạy đua vũ trang
và khả năng xung đột ở khu vực BĐ.
2. Nguy cơ chạy đua vũ trang
Việc TQ “quân sự hóa” BĐ khiến các nước Đông Nam Á cũng phải
nỗ lực tăng ngân sách quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, mua sắm vũ khí để bảo
vệ chủ quyền, tự do hàng hải, hàng không, ngăn chặn những hành động của TQ.
Những vũ khí được các nước Đông Nam Á mua sắm nhiều nhất trong thời gian gần
đây là hệ thống rađa, máy bay chiến đấu trên biển cùng với tàu chiến, tàu tuần
tra, tàu ngầm, tên lửa chống hạm.
Philíppin đang mạnh tay trong chi tiêu quốc phòng nhằm xây
dựng lực lượng hải quân, không quân mạnh hơn. Manila đã chi khoảng 1,2 tỉ USD
để mua hai 2 tàu khu trục tàng hình mang tên lửa dẫn đường, tàu tuần tra lớp
Hamilton của Mỹ, 2 tàu hộ vệ lớp Maestral của Italia, tàu tiến công đa năng, 2
trực thăng tiến công chống tàu ngầm, 8 máy bay trực thăng W3A Sokol của Ba
Lan...
Malaixia mua 2 tàu ngầm lớp Scorpene, 6 tàu tác chiến gần bờ
(trị giá 2,8 tỷ USD) do Pháp chế tạo. Inđônêxia đang mua một loạt tàu ngầm từ
Hàn Quốc, các hệ thống phòng không của Pháp, hệ thống rađa bờ biển từ Mỹ.
Xinhgapo đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới với rất nhiều
hợp đồng mua sắm vũ khí hiện đại. Nước này đang nâng cấp hạm đội tàu ngầm của
họ bằng việc đưa vào trang bị 2 tàu ngầm lớp Archer do Thụy Điển chế tạo và sẽ
mua 2 tàu ngầm của Đức nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển.
Ngay cả Ốtxtrâylia cũng đang đầu tư mạnh vào quốc phòng. Chi
phí quân sự của nước này trong 10 năm đã tăng gần gấp đôi. Ngân sách dành cho
quân đội trong năm 2016 - 2017 là 23 tỉ USD và dự kiến đến năm 2025 - 2026 là
42 tỉ USD, chiếm hơn 2% GDP của nước này.
Tổng chi phí mua sắm mới và nâng cấp vũ khí của 9 nước Đông
Nam Á (trừ Mianma và Brunei), đã tăng liên tục trong những năm gần đây. Cụ thể
năm 2004 là 14,4 tỉ USD; năm 2011, là 24,5 tỉ USD, năm 2015 là 35,5 tỉ USD; dự
kiến, năm 2016, sẽ vượt 40 tỉ USD.
Những hành động ngang ngược của TQ trên BĐ trong thời gian
qua là nguyên nhân chính buộc các nước láng giềng gia tăng củng cố tiềm lực
quân sự và thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ, Nhật Bản, Ốtxtrâylia và những nước
khác; tăng cường nâng cấp vũ khí, trang bị kĩ thuật, sẵn sàng cho một cuộc
chiến bắt buộc. Hành động của TQ, sớm hay muộn cũng tạo nên cuộc chạy đua vũ
trang trên BĐ, vì thế mà nguy cơ xung đột tăng cao hơn bao giờ hết.
III. DỰ BÁO
Theo các chuyên gia, thời gian tới TQ có thể tuyên bố Vùng
nhận diện phòng không (ADIZ) trên một phần hoặc toàn bộ khu vực nằm trong cái
gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này tự đưa ra.
Tháng 11 năm 2013, TQ đã đơn phương
tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, đây là bước đệm thử phản ứng của dư
luận để tiến tới thiết lập ADIZ trên BĐ. Bằng cách xây dựng hệ thống các đường
băng, đài rađa quân sự... tại Hoàng Sa, Trường Sa, có thể xem như bộ khung để
thiết lập ADIZ trên BĐ đã hoàn thiện và như vậy Quân đội TQ đủ khả năng triển
khai ADIZ bất cứ khi nào họ muốn.
Những hành động trên đều nằm trong chiến lược lâu dài của TQ
nhằm lập ADIZ tại tất cả các vùng biển xung quanh nước này, bao gồm Hoa Đông,
Hoàng Hải và BĐ. Từ ADIZ, TQ sẽ áp đặt sự công nhận chủ quyền của họ, điều này
đe dọa nghiêm trọng đến an toàn và hòa bình trên BĐ.
Nếu TQ lập ADIZ trên BĐ điều này còn nguy hiểm
hơn cả “đường chín đoạn”, vì luật hàng không chặt hơn luật hàng hải rất nhiều,
đồng nghĩa với việc các nước trong khu vực và ngay cả các nước khác trên thế
giới có chung quyền lợi trên Biển Đông đều bị rơi vào tình thế bất lợi. Tức là
tất cả những nước có không phận trong ADIZ này phải chịu sự kiểm soát của TQ.
Trung Quốc sẽ dùng ADIZ để áp đặt yêu sách. Hay nói cách khác, khi thiết lập
được ADIZ, TQ sẽ lợi dụng vấn đề này để lồng vào quan điểm về chủ quyền của họ.
Cụ thể: máy bay của các nước khi bay qua vùng không phận đã được thiết lập ADIZ
sẽ phải thông báo hoặc xin phép TQ. Ngay cả khi các máy bay của Việt Nam từ Hà
Nội ra BĐ vào Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải xin phép TQ, có nghĩa là đã công
nhận, vùng không phận đó thuộc chủ quyền của TQ. Đây là điều vô cùng nguy hiểm,
vì từ những sự kiện như vậy, sau này trong quá trình đàm phán chủ quyền, TQ sẽ
mang ra như một dẫn chứng để nói rằng, nước đó, hãng hàng không đó đã từng xin
phép và công nhận là đã bay qua lãnh thổ của TQ… Đây rõ ràng là một chiếc bẫy
để áp đặt chủ quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét