Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

TOÀN CẦU HÓA LÀM XUẤT HIỆN KHẢ NĂNG TẬP HỢP LỰC LƯỢNG MỚI CHO PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ

Toàn cầu hóa là một quá trình đầy mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn giữa các lực lượng lợi dụng toàn cầu hóa để mở rộng sự bóc lột về kinh tế, áp đặt về chính trị với các lực lượng đấu tranh chống mặt trái của toàn cầu hóa, bảo vệ độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Hiện nay, xuất hiện nhiều phong trào xã hội mới đấu tranh chống mặt trái của toàn cầu hóa với tên gọi chung là "Phong trào chống toàn cầu hóa". Phong trào này đã phần nào thức tỉnh được ý thức công dân toàn cầu trước những vấn đề cấp bách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường... của nhân loại hiện nay. Mục tiêu đấu tranh chung của phong trào là chống lại việc chủ nghĩa tư bản lợi dụng toàn cầu hóa để áp đặt một kiểu toàn cầu hóa tiêu cực, phi nhân tính; chống lại sự lũng đoạn của hệ thống quyền lực tư bản độc quyền quốc tế, đồng thời hướng tới xây dựng một trật tự thế giới mới dân chủ, công bằng và bình đẳng hơn. Mục tiêu bao trùm đó đã được cụ thể hóa thành những mục tiêu cụ thể như: chống đói nghèo, bất công xã hội, chống chủ nghĩa tự do mới, chống nền chính trị cường quyền... hoặc, đòi xóa nợ cho các nước nghèo và kém phát triển, bảo vệ môi trường sống, dân chủ hóa cơ cấu và cơ chế của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB).
Là một lực lượng mới trong nền chính trị thế giới ngày nay, phong trào chống toàn cầu hóa đã góp phần lên án và ngăn chặn sự bành trướng tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn cầu, do đó nó hàm chứa những nhân tố mang tính cách mạng, trở thành "bạn đồng minh tự nhiên" với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong cuộc chiến chống cường quyền tư bản chủ nghĩa. Đây là yếu tố quan trọng để các Đảng Cộng sản - công nhân thống nhất hành động, xây dựng liên minh với các lực lượng, các phong trào chính trị xã hội khác, tăng cường hợp tác quốc tế chống toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa và tiến tới lựa chọn con đường xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tập hợp lực lượng trong quá trình toàn cầu hóa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và các phong trào, đảng phái tiến bộ khác cùng thảo luận, phân tích những đặc điểm tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới hiện đại; về đường lối chiến lược, phương thức đấu tranh sao cho có hiệu quả chống lại chủ nghĩa tư bản; làm rõ con đường, mô hình, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới, đồng thời cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sự phối hợp, tập hợp lực lượng này sẽ được xúc tiến trên cơ sở một "chủ nghĩa quốc tế mới". Theo đó, không chỉ đoàn kết giai cấp vô sản mà đoàn kết nhân dân tất cả các nước bị đế quốc áp bức thành một khối thống nhất. Điều này sẽ làm cho sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trở nên hiện thực và có sức hấp dẫn cao.

Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế luôn chịu sự tương tác tổng hợp, đan quyện vào nhau, vừa trực tiếp vừa gián tiếp của hàng loạt nhân tố khách quan và chủ quan. Những nhân tố đó tác động nhiều mặt đến sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các Đảng Cộng sản, tạo ra những tiền đề cho việc xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Đành rằng, sự phục hưng của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI là một quá trình từ từ, lâu dài, khúc khuỷu, thậm chí có thể xuất hiện những bước lặp đi lặp lại mới, nhưng quy luật cơ bản phát triển của xã hội loài người là tiến tới chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị - chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Do đó, chủ nghĩa xã hội tất yếu sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản. Tiến trình đó là không thể đảo ngược.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét