Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Chức năng nghiên cứu của dân tộc học như thế nào?

Dân tộc học có ba chức năng nghiên cứu cơ bản:
Chức năng nhận thức: Dân tộc học đem lại những hiểu biết cơ bản về các tộc người, các dân tộc và những mối quan hệ giữa các dân tộc trong lịch sử và hiện tại. Dân tộc học không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản, toàn diện về các tộc người, dân tộc trong nước và thế giới mà còn đóng góp quan trọng vào hệ thống tri thức khoa học xã hội và nhân văn của loài người; khám phá, làm rõ những yếu tố đặc thù và những yếu tố chung của các tộc người, dân tộc.
Chức năng luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc của các đảng và nhà nước: Dân tộc học làm rõ lịch sử các tộc người, dân tộc thông qua việc nghiên cứu toàn diện đời sống xã hội từ nguồn gốc, lịch sử cư trú đến ngôn ngữ, văn hóa, địa vực sinh sống, tín ngưỡng, quan hệ tộc người... Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn sinh động cho hoạch định chính sách dân tộc của các đảng cầm quyền, các nhà nước ở quốc gia đa dân tộc. Ở Việt Nam, dân tộc học cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước ta hoạch định, đề ra chính sách dân tộc đúng đắn; cung cấp luận cứ khoa học cho tổ chức thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc, các chương trình, dự án phát triển quốc gia ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số, giải quyết tốt mối quan hệ quốc gia và tộc người.

Chức năng dự báo: Dân tộc học nghiên cứu các tộc người, các dân tộc trong lịch sử và đời sống xã hội hiện đại để tìm ra quy luật vận động, biến đổi và phát triển của các cộng đồng tộc người, các dân tộc; làm rõ những xu hướng vận động và biến đổi trong quan hệ tộc người, những vấn đề có tính quy luật… Từ đó, đưa ra những dự báo khoa học về xu hướng quan hệ tộc người, sự phát triển của các cộng đồng tộc người, các dân tộc trong giai đoạn tiếp theo. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét