Toàn cầu hóa, một mặt, tăng cường quyền lực của tư bản, mặt khác, làm sâu
sắc thêm những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản và chuẩn bị những tiền đề
của chủ nghĩa xã hội ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Những tiền đề đó là:
Thứ nhất, xu hướng thị trường xã
hội ngày càng chiếm ưu thế. Để khắc phục những hậu quả của thị trường tự do, từ
giữa thế kỷ XX một số nước tư bản đã thực hiện xây dựng thị trường xã hội. Lịch
sử phát triển đã xác nhận, thị trường giữ một vai trò to lớn trong sự phát triển
của xã hội, nhưng để thị trường phát huy tốt vai trò của mình thì cần đặt nó
trong một khuôn khổ điều tiết nhất định. Nhà nước kiểm soát nền kinh tế thị trường
bằng nhiều giải pháp như: tạo lập khung cho nền kinh tế; bảo đảm quyền tham quyết
của người lao động; bảo đảm các nghĩa vụ xã hội trong thị trường và người tiêu
dùng tác động trực tiếp vào quan hệ thị trường. Nói cách khác, nhà nước thực hiện
điều tiết kinh tế thị trường bằng sức mạnh kinh tế, tạo ra sự kiểm soát xã hội
đối với thị trường, làm giảm thiểu các tác động của khủng hoảng. Công cuộc cải
cách, đổi mới của Trung Quốc và Việt Nam theo hướng xây dựng nền kinh tế thị
trường xã hội chủ nghĩa hay nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
trong thời gian qua là một đóng góp to lớn vào lý luận xây dựng nền kinh tế thị
trường xã hội chung trên thế giới.
Hiện nay, trong các
nước tư bản vẫn tồn tại hai xu hướng: thị trường tự do và thị trường xã hội,
nhưng thị trường xã hội ngày càng chiếm ưu thế. Thị trường được kiểm soát, điều
tiết bởi nhà nước, bảo đảm phúc lợi xã hội, do vậy, mặt trái của thị trường phần
nào được hạn chế, an ninh xã hội được bảo đảm và phẩm giá con người được tôn trọng
hơn. Nói một cách khác, chủ nghĩa nhân đạo đã được thực hiện ở một mức độ nào
đó trong hiện thực.
Thứ hai, xu hướng kinh tế tri thức
tạo tiền đề khắc phục tha hóa lao động. Quá trình toàn cầu hóa làm nảy sinh
kinh tế tri thức - nền kinh tế mà mọi việc từ sản xuất, lưu thông, phân phối, đến
tiêu thụ sản phẩm đều dựa trên cơ sở sử dụng tri thức và thông tin. Đó là nền
kinh tế mà trong đó sản xuất, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu
nhất của sự tăng trưởng, tạo ra của cải, việc làm trong tất cả các ngành kinh tế.
Đó là nền kinh tế mà nguồn lực chủ yếu nhất đối với hoạt động và phát triển là
tri thức con người. Tri thức trở thành tư liệu sản xuất chủ yếu, người lao động
là nguồn lực của tri thức, trí tuệ của họ chính là tư liệu sản xuất chủ yếu,
không tách rời họ, thuộc về họ. Như vậy là, kinh tế tri thức đã tạo cho con người
vừa là người lao động, vừa là người sở hữu tư liệu sản xuất của mình mà không
ai có thể tước đoạt được. Chính nội dung này nói lên rằng, trong quá trình toàn
cầu hóa, kinh tế tri thức tạo điều kiện và cho phép khắc phục được sự tha hóa
lao động, phát triển tự do và toàn diện con người như mục tiêu của chủ nghĩa xã
hội khoa học đã xác định.
Thứ ba, văn minh chính trị tạo
ra tiền đề khắc phục tha hóa quyền lực. Các nhà lịch sử tư tưởng triết học,
chính trị học từ thời cổ đại đến nay đã dày công phân tích và chứng minh: Quyền
lực công là của xã hội, của mọi người. Khi xã hội phân chia thành giai cấp và đấu
tranh giai cấp thì quyền lực ấy được tổ chức thành nhà nước và do giai cấp thống
trị nắm giữ, nó ngày càng đứng trên và xa lạ với xã hội, đồng thời trở thành
công cụ đàn áp nhân dân. Giai cấp thống trị dùng quyền lực ấy mưu lợi cho mình,
còn nhân dân thì đấu tranh đòi giai cấp thống trị dùng quyền lực ấy vì lợi ích
chung của xã hội. Thực chất đó là cuộc đấu tranh đòi dân chủ của nhân dân và kết
quả đưa đến sự tiến hóa của các nền dân chủ, đưa đến văn minh chính trị. Nền
văn minh chính trị đạt được trong xã hội hiện đại của quá trình toàn cầu hóa đã
tạo ra những tiền đề để khắc phục sự tha hóa quyền lực.
Toàn cầu hóa càng
phát triển càng tạo điều kiện cho dân chủ hóa chính trị và càng tạo ra đầy đủ
hơn những tiền đề để thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời đây
cũng chính là những tiền đề để phong trào cộng sản và công nhân quốc tế xem
xét, lựa chọn tiến tới con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học - một xã hội
nhân đạo hoàn bị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét