Qua 30 năm tiến hành
sự nghiệp đổi mới toàn diện, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có
ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa. Vậy mà, một số người lại cố tình phủ nhận những giá trị của chủ
nghĩa xã hội và kết quả công cuộc đổi mới đất nước mà toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta đã nỗ lực, phấn đấu xây dựng nên - Điều đó thể hiện ý đồ xấu của họ.
Gần đây, các đối
tượng phản động đã phát tán một số bài viết nhằm xuyên tạc, đả kích chủ nghĩa
xã hội hiện thực, rằng: “chủ nghĩa xã hội: xã hội chủ nô”, “chủ nghĩa xã hội
sản sinh ra những con người và xã hội ích kỷ”; “đi theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin
là một sai lầm lịch sử, Việt Nam đang bế tắc về kinh tế”; vu cáo Đảng cộng sản
Việt Nam vi phạm nhân quyền, chuyên chính, quan liêu, v.v. Thực chất đó là cách
nói, cách nhận xét phiến diện, phi lý, hoàn toàn không có cơ sở lý luận và thực
tiễn, nhằm mục đích phủ nhận những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội đang
hiện hữu ở Việt Nam, tiến tới đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Lý luận và thực tiễn
khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa đã tạo nên những giá trị mới mà không một
chế độ nào trước đó có được; những thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của
Đảng đã tạo nên những giá trị của chủ nghĩa xã hội, có sức sống bền vững, đặc
biệt là những thành công trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trong điều
kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Qua 30 năm đổi mới, đất nước đã thoát
khỏi khủng hoảng kinh tế và tình trạng kém phát triển, kinh tế tăng trưởng khá,
trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình1. Sức mạnh
tổng hợp của đất nước được tăng cường; vị thế và uy tín của Việt Nam trên
trường quốc tế được nâng cao.
Trong chế độ xã hội
xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc;
cuộc sống của người dân từng ngày được “thay da, đổi thịt”, từ chỗ phải chịu
cảnh “thiếu thốn trăm bề, cơm không đủ no, áo không đủ mặc”, đến nay đã được
thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ phục vụ cho sự phát triển bản thân một cách toàn
diện. Chính sách an sinh và phúc lợi xã hội phát triển khá đồng bộ, đặc biệt là
trong vấn đề xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, chế độ ưu đãi người có công với nước, trợ
giúp xã hội,… tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về mọi mặt.
Theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng 8,8 triệu người có công được hưởng
chế độ ưu đãi (10% dân số); khoảng 14 triệu người được hưởng trợ cấp thường
xuyên; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, vùng đặc biệt khó khăn chỉ còn dưới 30%; 11
triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 190 nghìn người tham gia bảo
hiểm xã hội tự nguyện, hơn 9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn
61 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Việc phổ cập giáo dục tiểu học được hoàn
thành vào năm 2010 (99% trẻ em trong độ tuổi học sinh bậc tiểu học được đến
trường). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y
tế được hình thành rộng khắp trong cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một
vạn dân tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho toàn dân. Tuổi thọ
trung bình tăng, đạt 73,5 tuổi vào năm 2015. Các quyền cơ bản của con
người trên tất cả các lĩnh vực được đảm bảo bằng pháp luật và trong thực tiễn.
Điều 3 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định:
“Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhân, tôn trọng,
bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…”2. Các chính sách
dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng hoàn thiện và được bảo đảm trong
thực tiễn, v.v. Việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên
hợp quốc (khóa 2014 - 2016)3 là sự ghi nhận và khẳng định những
thành tựu to lớn trong việc bảo đảm nhân quyền của Đảng, Nhà nước ta cùng những
đóng góp quan trọng về thúc đẩy quyền con người trong khu vực và trên thế giới
của Việt Nam.
Cùng với đó, Đảng,
Nhà nước quan tâm đẩy mạnh thực hiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người
Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ,
năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của công
dân; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi
người với bản thân, gia đình và xã hội. Quan tâm giáo dục, xây dựng con người
Việt Nam với những đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực,
đoàn kết, cần cù, sáng tạo”, có thế giới quan khoa học, phát huy phẩm chất nhân
ái, lối sống có trách nhiệm, “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”,
hội tụ những giá trị “chân - thiện - mỹ”; khẳng định và tôn vinh cái đúng, cái
tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp và nhân văn. Hiện
nay, những giá trị mới của con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý
thức công dân, dân chủ, sáng tạo, khát vọng vươn lên của người dân Việt Nam
đang từng bước được phát triển; những giá trị truyền thống quý báu của con
người Việt Nam, như: yêu nước, đoàn kết, “thương người như thể thương thân”,...
đã, đang ngày càng được nuôi dưỡng và phát huy. Hàng vạn những “Gương mặt tiêu
biểu” trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, những “Việc tử tế”, những
“Tấm gương bình dị mà cao quý”, những nghĩa cử cao đẹp, những chương trình
“Trái tim cho em”, “Nâng bước em tới trường”... đang nở rộ, có sức lan tỏa rộng
lớn trong toàn xã hội.
Vì vậy, không phải
ngẫu nhiên mà trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc thông qua các Mục
tiêu phát triển Thiên niên kỷ giai đoạn 2016 - 2030 (tháng 10-2015), Việt Nam
được đánh giá là biểu tượng đấu tranh giành độc lập dân tộc, là hình mẫu về
phát triển kinh tế, điểm sáng xóa đói giảm nghèo. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban
Ki-moon nhấn mạnh: “Nếu tất cả các nước đều nỗ lực như Việt Nam, chắc chắn thế
giới sẽ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới”. Đó
là một sự ghi nhận khách quan của quốc tế về thành tựu phát triển và giá trị
chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Và đó cũng là minh chứng rõ ràng, sống động nhất để phản bác lại những
luận điệu xuyên tạc, vu khống của những kẻ chống phá cách mạng Việt Nam.
Trong khi đó, nhìn
vào nội tại xã hội tư bản hiện đại vẫn đang tồn tại đầy rẫy những khuyết tật,
mâu thuẫn không thể giải quyết, như: thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng,
khủng bố, v.v. Theo tổ chức từ thiện Oxfam đánh giá: chỉ 85 người giàu nhất thế
giới có giá trị tài sản bằng 3,5 tỉ người nghèo; 1% người giàu nhất thế giới
chiếm giữ khoảng 110 nghìn tỷ USD. Hiện nay, ở một số nước tỷ lệ người nghèo khá
cao, như: Mê-hi-cô 21,4%; Israel 20,9%; Thổ Nhĩ Kỳ 19,2%; Chi-lê 17,8%; Anh
9,5%. Ngay ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, chênh lệch giàu - nghèo rất
lớn: 1% người giàu có giá trị tài sản hơn 90% người nghèo; 7% người giàu nắm
giữ tới 63% tài sản quốc gia; 49,7 triệu người dân Mỹ trong diện nghèo, v.v.
Đặc biệt, tình trạng khủng bố, bạo lực, tội phạm, an ninh, phân biệt chủng tộc,
sắc tộc diễn ra tràn lan, kéo dài không dứt, nhất là ở các nước phương Tây, Mỹ,
khu vực Trung Đông.
Phủ nhận giá trị của
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một thủ đoạn nham hiểm được các thế lực thù địch
thường dùng với mục tiêu hòng phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Song, đó chỉ là sự ảo
tưởng của những kẻ ngông cuồng, với bản chất hiếu chiến, xâm lược. Bởi, những
thành quả đạt được và giá trị tốt đẹp mà chủ nghĩa xã hội đã mang lại cho nhân
dân đang hiện hữu ở Việt Nam. Đó là điều không thể phủ nhận! Cuộc đấu tranh
chống “diễn biến hòa bình”, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trong
lĩnh vực chính trị, tư tưởng đang diễn ra quyết liệt, cam go, phức tạp. Thực
chất đó là cuộc đấu tranh giai cấp dưới hình thức mới, trong điều kiện mới. Đối
với nhân dân ta đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa để bảo vệ chân lý, bảo vệ
thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa
ở Việt Nam. Vì thế, chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh này là trách
nhiệm cao cả của mọi người Việt Nam yêu nước ở trong nước và nước ngoài,
trước hết là cán bộ, đảng viên./.
Nguồn: http://tapchiqptd.vn/
Rất hay
Trả lờiXóa