Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Thế nào là cộng đồng tộc người?

Cộng đồng tộc người là một phạm trù lịch sử dùng để chỉ một cộng đồng người được hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định, gồm một hay nhiều tộc người cùng sinh sống trên một lãnh thổ nhất định, gắn bó với nhau bởi các quan hệ xã hội cùng nguồn gốc, ngôn ngữ, lãnh thổ, kinh tế, đặc trưng văn hóa, tâm lý, ý thức tự giác theo những đặc trưng, tiêu chí chung nhất định.
Cộng đồng tộc người là một loại hình cộng đồng người hình thành lâu dài trong trong lịch sử, khác với các loại cộng đồng người theo tổ chức hành chính (tỉnh, huyện, xã), giai cấp, tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, kinh tế...
Cộng đồng tộc người có quá trình ra đời, vận động, phát triển và đến một lúc nào đó sẽ tiêu vong. Chẳng hạn, hình thức cộng đồng bộ tộc hiện nay hầu như đã không còn tồn tại ở nhiều tộc người trên thế giới.
Đặc điểm phổ biến là phần lớn các cộng đồng tộc người thường gồm nhiều tộc người thành phần. Mẫu số chung là trong một cộng đồng tộc người thường có một tộc người đa số, chiếm ưu thế, đóng vai trò hạt nhân tập hợp, quy tụ các tộc người thành phần. Như bộ tộc Văn Lang thời Hùng vương có nhiều tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Việt Mường, Tày Thái, Môn - Khmer tham gia cấu thành, nhưng tộc người đa số là tộc người Việt (Kinh).
Khi nói đến cộng đồng tộc người, người ta thường nhấn mạnh đến với tư cách là cộng đồng chính trị xã hội để phân biệt với tộc người, tính tộc người. Do trải qua các hình thái kinh tế - xã hội, các tộc người chịu sự tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, giai cấp để tạo thành các hình thức cộng đồng tộc người khác nhau. Nên bên cạnh cốt cách tộc người, các đặc trưng của hình thức cộng đồng ở các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau cũng có sự khác nhau về kinh tế, thể chế chính trị, đặc điểm cơ cấu xã hội...

Theo quan điểm phổ biến hiện nay, lịch sử tộc người đã trải qua 3 hình thức cộng đồng phát triển từ thấp lên cao. Do điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng nơi mà sự phát triển của các loại hình đó không diễn ra như nhau; có nơi trải qua lần lượt các hình thức cộng đồng tộc người; có nơi có thể bỏ qua một hình thức tổ chức nào đó, hoặc có nhưng không điển hình. Ba hình thức đó là: Thị tộc - bộ lạc (thời cộng sản nguyên thủy), bộ tộc (thời chiếm hữu nô lệ và phong kiến) và dân tộc (thời tư bản chủ nghĩa và xã hội hội chủ nghĩa). Mỗi hình thức cộng đồng tộc người có các đặc điểm, kết cấu xã hội, đặc trưng văn hóa khác nhau, ra đời và tồn tại ở các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét