Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Nhiệm vụ nghiên cứu của dân tộc học là gì?

Nhiệm vụ chung của dân tộc học là nghiên cứu cơ bản và toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội của tất cả các tộc người từ vật chất, tinh thần đến nguồn gốc lịch sử, các giá trị truyền thống cho đến đời sống xã hội hiện đại.
Dân tộc học có 6 nhiệm vụ cụ thể:
Nghiên cứu cấu tạo thành phần các tộc người trong nước và trên thế giới. Đây là nhiệm vụ cơ bản của dân tộc học nhằm xác định đúng đắn thành phần tộc người trong nước và trên thế giới. Phải phân biệt chuẩn xác cộng đồng nào là tộc người, nhóm nào chỉ là các nhóm địa phương của tộc người.
Nghiên cứu lịch sử tộc người. Dân tộc học làm rõ sự tương đồng và khác biệt của các dân tộc trên thế giới, từ nguồn gốc đến sự biến đổi trong toàn bộ chiều dài lịch sử đến ngày nay.
Nghiên cứu đặc trưng văn hóa tộc người để làm rõ diện mạo văn hóa các tộc người (đặc trưng riêng và chung); nghiên cứu các yếu tố truyền thống, phong tục tập quán, những yếu tố mới nảy sinh. Tìm hiểu lịch sử, di sản truyền thống văn hóa tộc người và đi sâu nghiên cứu đời sống xã hội đương đại.
Nghiên cứu môi trường sinh thái và địa lý tộc người - nghiên cứu môi trường tự nhiên nơi cư trú (địa hình, sông ngòi, đất đai, khí hậu, tài nguyên...) đã ảnh hưởng tích cực và tiêu cực thế nào đến mọi mặt đời sống cư dân của tộc người. Làm rõ lịch sử vùng lãnh thổ cư trú, điều kiện tự nhiên, các ảnh hưởng đến đời sống cư dân, thế ứng xử với môi trường sống, quan niệm và ý thức của cộng đồng về lãnh thổ và địa lý tộc người.
Nghiên cứu quá trình tộc người và quan hệ tộc người - nghiên cứu quá trình ra đời, vận động, biến đổi, phát triển của các tộc người trong tiến trình lịch sử. Dân tộc học làm rõ những vấn đề về quá trình tộc người nhằm đem lại nhận thức toàn diện về các tộc người, cung cấp các tri thức về tình hình tộc người và mối quan hệ tộc người trong nước, khu vực và thế giới.
Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng của các tộc người. Dân tộc học nghiên cứu đời sống tâm linh, các hình thức sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của từng tộc người. Dân tộc học làm rõ đời sống sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, những giá trị của tôn giáo tín ngưỡng trong xã hội tộc người; những vấn đề mới nảy sinh, không bình thường trong đời sống tín ngưỡng tộc người.
Các nhiệm vụ trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Song tùy từng quốc gia mà dân tộc học có thể có những nhiệm vụ cụ thể khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét