Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Dân tộc học có mối quan hệ thế nào với một số môn khoa học xã hội và nhân văn khác?

Để nghiên cứu toàn diện các tộc người, dân tộc học sử dụng các tài liệu và tham khảo kết quả nghiên cứu từ các khoa học cận và liên ngành, kể cả các ngành khoa học tự nhiên.
Với Xã hội học, trong nghiên cứu các vấn đề hiện đại của tộc người, dân tộc học đặc biệt gắn với nghiên cứu xã hội học và khoa học xã hội học. Cả hai chuyên ngành này đều quan tâm đến một số hay nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội của tộc người, các nhóm xã hội, các vấn đề xã hội gắn với tộc người. Tuy nhiên, xã hội học và dân tộc học không trùng lặp trong nghiên cứu. Nghiên cứu sự tác động qua lại của các hiện tượng văn hóa tộc người và xã hội - giai cấp (xã hội học tộc người), dân tộc học luôn phải sử dụng kết quả và phương pháp nghiên cứu của xã hội học, như điều tra theo bảng hỏi, phỏng vấn.
Với Sử học, dân tộc học có mối liên hệ chặt chẽ, nhất là lịch sử cổ đại và trung đại trong nghiên cứu thời đại nguyên thủy và các vấn đề của lịch sử tộc người. Đối tượng của sử học là các sự kiện lịch sử trong đời sống xã hội của các tộc người, dân tộc, quốc gia. Khi nghiên cứu nguồn gốc tộc người, dân tộc học thường xuyên quan tâm đến các tài liệu, các tư liệu sử học. Khi nghiên cứu quá trình phát triển của dân tộc, sử học lại chú ý đến sự thay đổi về xã hội, văn hóa của dân tộc ấy.
Với Khảo cổ học, đối tượng của khảo cổ học là lịch sử phát triển của con người thuộc các tộc người thông qua phân tích các di chỉ khảo cổ. Còn dân tộc học lại từ cơ sở đó mà tìm hiểu các cộng đồng người đã trải qua trong lịch sử như thế nào trên các phương diện về đặc điểm kinh tế - xã hội, đặc trưng văn hóa vật chất và tinh thần, tổ chức kết cấu cộng đồng... Khảo cổ học nghiên cứu để tái tạo lại lịch sử, trong đó có việc nghiên cứu lịch sử tộc người từ các di tích khảo cổ học, nên cũng sử dụng rộng rãi tài liệu dân tộc học.
Với Ngôn ngữ học, đối tượng nghiên cứu là các ngôn ngữ. Ngôn ngữ luôn gắn với một tộc người cụ thể, là tiêu chí hàng đầu xác định tộc người. Ngôn ngữ học khi nghiên cứu ngôn ngữ của một tộc người bao giờ cũng chú ý đến kết quả nghiên cứu dân tộc học về tộc người đó. Việc nghiên cứu dân tộc học về sự thân thuộc của ngôn ngữ các dân tộc, sự ảnh hưởng, quan hệ vay mượn, tộc danh, thổ ngữ, mối quan hệ tương hỗ của các quá trình tộc người và ngôn ngữ (dân tộc ngôn ngữ học) có liên quan tới ngành ngôn ngữ học.
Với Lịch sử văn hóa nghệ thuật, Văn hóa dân gian, dân tộc học có quan hệ gần gũi trong việc nghiên cứu sự sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của các tộc người. Với tâm lý học, dân tộc học có sự giao thoa chung là bộ môn tâm lý học tộc người. Với địa lý học, dân tộc học có quan hệ trong việc nghiên cứu sự tương tác của tộc người và môi trường tự nhiên, nghiên cứu các dạng thức cư trú và cả các vấn đề của sự hình thành bản đồ địa lý - tộc người. Dân tộc học quan hệ mật thiết với Nhân chủng học trong nghiên cứu nguồn gốc tộc người.

Dân tộc học còn có mối quan hệ tương hỗ với nhiều bộ môn khoa học tự nhiên khác (sinh vật học, môi trường...). Tài liệu của các bộ môn đó góp phần làm rõ các quá trình tộc người của nhân loại nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét