Hầu
hết các nhà dân tộc học trên thế giới đã thống nhất phân định các tộc người theo
5 tiêu chí sau:
Có chung một ngôn ngữ tộc người.
Mỗi
một tộc người thường có một ngôn ngữ riêng do họ sáng tạo ra trong lịch sử, gọi
là ngôn ngữ tộc người hay tiếng mẹ đẻ. Nó là phương tiện giao
tiếp, là đặc trưng quan trọng, dễ nhận biết để phân biệt các tộc người. Qua sử
dụng ngôn ngữ, các thành viên phân biệt ra nhau và xác định cá nhân thuộc tộc
người nào… Tuy nhiên, thực tế có tộc người
từ bỏ ngôn ngữ của mình, sử dụng ngôn ngữ của tộc người khác hoặc một tộc người
nhưng sử dụng song ngữ hoặc đa ngữ.
Có chung một lãnh thổ tộc người.
Đây
là tiêu chí vật chất xác định một tộc người, là điều kiện xuất hiện, gắn bó với
tộc người, sau trở thành đặc trưng tộc người quan trọng. Từ chỗ là phương tiện
sinh sống, lãnh thổ đã trở thành cơ sở tồn tại, phát triển của tộc người, là
không gian sinh tồn thiêng liêng gắn bó với tộc người nên ý thức về lãnh thổ
tộc người ngày càng sâu sắc. Khi xã hội có giai cấp, lãnh thổ tộc người nằm
trong lãnh thổ quốc gia hoặc trở thành lãnh thổ quốc gia; có trường hợp lãnh
thổ tộc người trải rộng ở nhiều nước. Lãnh thổ tộc người là một phạm trù lịch
sử, có sự biến động về mở rộng hay thu hẹp do yếu tố lịch sử xã hội - tự nhiên
tạo nên.
Có cơ sở kinh kế tộc người. Do cùng sinh sống trên
một khu vực lãnh thổ đã hình thành nên cách ứng xử giống nhau trong sinh hoạt
kinh tế, tạo ra một cơ sở kinh tế chung của tộc người. Từ đó, hình thành và
phát triển các mối liên hệ, quan hệ kinh tế nội bộ tộc người. Mối liên hệ kinh
tế là một trong những điều kiện để xuất hiện tộc người (cùng với lãnh thổ), là
chất keo cố kết tộc người. Cơ sở kinh tế là đặc trưng, là nguyên nhân, điều
kiện cho phát sinh, tồn tại của các loại hình thị tộc - bộ lạc, bộ tộc, dân
tộc. Sự thay đổi các mối quan hệ và liên hệ kinh tế tộc người làm thay đổi các
hình thái kinh tế - xã hội và ra đời các loại hình cộng đồng tộc người khác
nhau.
Có các đặc trưng văn hóa tộc
người. Quá trình sinh tồn, ứng xử của con người với tự
nhiên và xã hội đã tạo ra các đặc trưng văn hóa riêng của từng tộc người và trở
thành bản sắc tộc người. Văn hóa tộc người
thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bao giờ cũng mang cốt cách, bản
sắc riêng, phân biệt với văn hóa các tộc người khác. Đặc trưng văn hóa truyền
từ đời này sang đời khác tạo sự cố kết tộc người, là yếu tố phân biệt tộc người
sâu sắc nhất nên văn hóa là tiêu chí quan
trọng nhất để xác định tộc người.
Có ý thức tự giác tộc người. Tổng hòa các yếu tố
ngôn ngữ, lãnh thổ, đặc trưng văn hóa, cơ sở kinh tế tộc người tạo thành một
hiện tượng xã hội quan trọng gọi là ý thức tự giác tộc người. Đó là ý thức của
mỗi thành viên cộng đồng và toàn thể cộng đồng về những đặc trưng của cộng đồng
mình khác biệt so với các tộc người khác. Ý thức tự giác tộc người được hình
thành lâu dài trong lịch sử tộc người, được cá nhân hấp thụ từ thuở nhỏ trong
môi trường tộc người, gia đình, nhà trường, xã hội. Nó đóng vai trò quan trọng
trong xác định thành phần tộc người của con người. Mất ý thức tự giác tộc người
thì tộc người không còn tồn tại, cá nhân không còn bao hàm ở tộc người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét