Văn hóa tộc người là tổng thể các yếu tố văn hóa mang tính đặc trưng
tộc người. Để thuận lợi cho công tác nghiên cứu và dễ nhận biết, các nhà dân
tộc học phân chia văn hóa tộc người thành 4 lĩnh vực như sau:
Văn hóa sản xuất là cách thức tác động, ứng xử của tộc người đối với
môi trường thiên nhiên để lao động sản xuất, bảo đảm sự sinh tồn, phát triển
của tộc người. Sự tác động của tộc người vào giới tự nhiên hình thành nên văn
hóa mưu sinh của tộc người gồm các phương thức sinh kế, kỹ thuật sản xuất, biện
pháp canh tác, tri thức, kinh nghiệm sản xuất… của các tộc người. Môi trường cư
trú khác nhau, các tộc người có văn hóa mưu sinh khác nhau: văn hóa lúa nước,
văn hóa nương rẫy, văn hóa du mục.
Văn hóa vật chất còn gọi là văn hóa bảo đảm đời sống của các tộc
người gồm những giá trị vật chất do tộc người tạo ra: trang phục, trang sức,
nhà cửa, phương tiện đi lại, đồ ăn thức uống, nhạc cụ, tác phẩm điêu khắc...
Mỗi tộc người đều có dạng thức văn hóa vật chất phong phú, vừa kết tinh bản sắc
tộc người, vừa là kết quả giao lưu giữa các tộc người.
Văn hóa tinh thần là đời sống sinh hoạt tinh thần của mỗi tộc người,
dân tộc trong không gian sinh tồn của họ, như thế giới quan, quan niệm về trời
đất, con người, tư tưởng, phong tục tập quán, tín ngưỡng, các giá trị tinh thần
truyền thống, văn học, nghệ thuật, văn hóa dân gian...
Văn hóa xã hội là văn hóa phản ánh các hình thái tổ chức sinh hoạt
xã hội tộc người, các mối quan hệ, cách ứng xử theo tập tục trong hôn nhân, gia
đình, dòng tộc, cộng đồng, tình cảm, tổ chức thiết chế xã hội (hôn nhân gia
đình, dòng họ, làng bản, châu mường), luật tục...
Như vậy, văn hóa tộc
người thể hiện trên toàn bộ đời sống xã hội của tộc người. Sự tổng hòa các đặc
trưng sinh hoạt văn hóa tộc người trong mối liên hệ giữa chúng tạo thành truyền
thống văn hóa tộc người được hình thành trong quá trình lịch sử, được truyền từ
thế hệ này sang thế hệ khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét