Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Đối tượng nghiên cứu của dân tộc học là gì?

Đối tượng nghiên cứu của dân tộc học là tất cả các tộc người, các dân tộc trên thế giới, không phân biệt trình độ phát triển, dân số hay khu vực địa lý, kể cả các tộc người, dân tộc đã bị diệt vong.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 3.000 tộc người cư trú ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đều là đối tượng nghiên cứu của dân tộc học. Dân tộc học còn nghiên cứu các tộc người đã bị diệt vong để tìm hiểu nguyên nhân, mối quan hệ với các tộc người khác nhằm tìm ra xu hướng, qui luật trong quá trình vận động, biến đổi tộc người.
Về thời gian và phạm vi đối tượng nghiên cứu, dân tộc học nghiên cứu tất cả các tộc người trong tiến trình lịch sử, không phân biệt trình độ phát triển văn hóa, kinh tế xã hội, đa số hay thiểu số. Các tộc người được nghiên cứu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong quá trình vận động, biến đổi, phát triển; từ ngôn ngữ, nguồn gốc, chủng tộc, quá trình lịch sử đến kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo tín ngưỡng, tư tưởng, chính trị, môi trường sinh thái tộc người...
Bên cạnh tập trung nghiên cứu các tộc người (ethnic), dân tộc học còn nghiên cứu các hình thái cộng đồng tộc người của nhân loại (thị tộc, bộ lạc, bộ tộc, dân tộc), cơ cấu tộc người - xã hội, các nhóm địa phương của tộc người.
Dân tộc học nghiên cứu toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội các tộc người, nhưng tập trung nghiên cứu văn hóa tộc người. Bởi vì, văn hóa tộc người được coi là đặc trưng tộc người quan trọng nhất thông qua các đặc trưng sinh hoạt xã hội trong toàn bộ tiến trình lịch sử. Dân tộc học nhằm làm rõ cốt cách, đặc trưng và bản sắc của các tộc người, dân tộc; những đặc trưng riêng và các giá trị chung phân biệt các tộc người, mối quan hệ, sự giống và khác nhau giữa các tộc người trên thế giới. Dưới góc độ dân tộc học, văn hóa tộc người được hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do tộc người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, được kế thừa và phát triển phản ánh điều kiện tự nhiên, xã hội mà tộc người đó sinh sống. Bất cức tộc người nào cũng có nền văn hóa riêng của họ, tạo thành truyền thống và bản sắc tộc người. Đây vừa là đặc trưng tộc người vừa là tiêu chí quan trọng nhất để phân định tộc người. Mất bản sắc văn hóa, tộc người sẽ không còn tồn tại mà bị hòa tan vào các tộc người khác.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét