Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Cảnh giác với thông tin không có thật, nhằm dụng ý xấu trên internet và mạng xã hội

Hiện nay, trên internet và mạng xã hội có đủ loại thông tin, trong đó có không ít thông tin không có thật, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt nhằm phá hoại đất nước. Đáng mừng là đa số người đọc tỏ rõ sự bất bình, phản đối thì đáng tiếc vẫn còn số ít nhẹ dạ cả tin, thậm chí hùa theo, vô tình “nối giáo cho giặc”. Vì thế, hãy hết sức cảnh giác, thận trọng khi tiếp nhận thông tin trên.
Sự bùng nổ về lượng người dùng, khả năng lan truyền cũng như sự tác động mạnh đến người đọc của internet và mạng xã hội đã và đang bị kẻ xấu lợi dụng, gieo rắc những thông tin không có thật, bịa đặt, gây mơ hồ, hoang mang trong dư luận xã hội. Bằng các hình thức khác nhau, những kẻ thù địch dựng lên những câu chuyện “giả mà như thật” hoặc có một phần sự thật rồi “thêm mắm, thêm muối” để nói như thật, làm cho người tiếp nhận thông tin hiểu sai bản chất sự việc, suy diễn theo ý đồ xấu của họ. Qua tổng hợp những thông tin trên internet và mạng xã hội cho thấy, sự tưởng tượng của họ khá “phong phú”, vẽ ra bức tranh mới quá xám màu, đầy tiêu cực về tình hình đất nước ta: “Đảng và Nhà nước biến chất; cán bộ, đảng viên suy đồi; xã hội thối nát, rối loạn”, rồi suy diễn, bình luận, ngụy biện hòng làm “sáng tỏ” vấn đề. Lợi dụng tâm lý hiếu kỳ của một số người dùng mạng xã hội, họ sử dụng công nghệ số để lắp ghép sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác; nhặt nhạnh, chắp nối một số tư liệu đã công bố, trích dẫn “đông, tây, kim, cổ”, tổng hợp các thông tin không thể kiểm chứng để bổ sung cho có vẻ xác thực, thêm thắt một số chi tiết mùi mẫn, nhằm tạo ra những sự kiện “giật gân”, gợi sự tò mò của người đọc hòng biến cái không có thật “trở thành có thật”.
Trước những vấn đề dư luận trong nước quan tâm, nhất là những nội dung mà Đảng và Nhà nước đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, như: công tác xây dựng Đảng, chống tham nhũng lãng phí, bảo vệ môi trường, tăng cường kỷ cương phép nước,… họ đăng tải các bài viết, hình ảnh xuyên tạc theo kiểu trên để nói xấu Đảng và Nhà nước, chế độ, kích động chống phá chủ nghĩa xã hội. Khi Đảng ta cảnh báo về các nguy cơ “lợi ích nhóm”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”,… họ lập tức tung ra các luận điệu: “Đảng Cộng sản là nhóm lợi ích lớn nhất”, “Đảng và Nhà nước Việt Nam trở thành công cụ cho một nhóm người cai trị, tham nhũng và bóc lột nhân dân”, v.v. Trên You Tube và một số blog, họ dựng lên những câu chuyện nhảm nhí về Đảng, ngụy tạo những thông tin để nói xấu cán bộ cấp cao, nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước ta, làm ra vẻ như nội bộ Đảng có “vấn đề”, “phe này, phái kia”, “tranh giành quyền lực và thanh trừng lẫn nhau” để gây hỏa mù dư luận, làm lung lạc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ.
Không chỉ thế, họ còn tập hợp thông tin phản ánh các vụ việc tiêu cực trên báo chí, rồi nhào nặn lại một cách ác ý; cho ra đời các clip về những tiêu cực của cảnh sát giao thông, về ô nhiễm môi trường, hay dàn dựng các vụ xô xát giữa lực lượng chức năng với một số người quá khích,… để vu khống chính quyền, kích động tụ tập chống đối. Họ đẩy mạnh tuyên truyền tập hợp lực lượng, thành lập các hội, nhóm bất hợp pháp, như: “Văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” dưới vỏ bọc là các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”,… đứng lên hô hào đấu tranh cho “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” ở Việt Nam. Họ kích động văn nghệ sĩ đòi “tự do” sáng tác và công bố các tác phẩm văn học, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn học, văn nghệ. Mặt khác, họ công khai “đặt hàng” và “trả thù lao cao” cho các bài viết chống phá đất nước; khuyến khích thanh niên tham gia Facebook với luận điệu “Mỗi người viết là một nhà văn, nhà báo, một nhà tổ chức sự kiện và cũng là một tổng biên tập tự do thực sự”, v.v. Sau khi được đẩy lên mạng xã hội, những sản phẩm này đương nhiên sẽ được “tung hứng” tại nhiều địa chỉ của một số cá nhân, tổ chức có tư tưởng thù địch với Việt Nam. Song, điều đáng nói là, những thông tin độc hại đó lẽ ra phải bị tẩy chay, phê phán, bác bỏ, thì vẫn còn một số người, trong đó có nhiều người trẻ tuổi, lại tò mò truy cập, thậm chí còn bình luận, phát tán, chia sẻ với bạn bè. Đây là những hành vi sai trái, nguy hiểm. Bởi, làm như thế, dù vô tình hay hữu ý, đã góp phần tuyên truyền, cổ súy cho các luận điệu phản động chống phá đất nước.
Internet và mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội, nhưng rõ ràng, nó là “con dao hai lưỡi” ẩn chứa nhiều hiểm họa nếu sử dụng không đúng mục đích. Bên cạnh các thông tin bổ ích, cung cấp tri thức, có giá trị giải phóng tư tưởng, định hướng tích cực đối với tiến bộ xã hội, thì nó còn là nơi ẩn chứa và phát tán vô số thông tin, hình ảnh có nội dung độc hại, “đổi trắng thay đen”, đánh lừa dư luận. Những thứ rác rưởi đó tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm và sự đồng thuận xã hội; dấy lên sự nghi ngờ của nhân dân đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hệ lụy của nó ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh của đất nước, v.v. Chính vì lẽ đó, cùng với trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý internet, mạng xã hội, trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao khả năng “phòng vệ” cho người tham gia mạng xã hội, thì vai trò, trách nhiệm của cá nhân là vô cùng quan trọng. Người sử dụng in-tơ-nét và mạng xã hội phải luôn là người trung thực, có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo, phân biệt đúng, sai và luôn có thái độ đúng đắn trước mọi thông tin trên mạng. Quá trình tìm kiếm thông tin, thu thập kiến thức để làm giàu trí tuệ, cũng phải đối diện với những thứ độc hại, mà bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng không thể thờ ơ, phó mặc. Tổ quốc thân yêu của chúng ta có được như hôm nay, là nhờ biết bao thế hệ đã không quản hy sinh, gian khổ, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược để giành và giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc; ra sức lao động, sản xuất, làm cho đất nước ngày thêm giàu mạnh. Vì vậy, trước những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng, nếu chúng ta “nhắm mắt làm ngơ”, chẳng phải là thiếu trách nhiệm với Tổ quốc, là có tội với các thế hệ đi trước, là phản bội lại lý tưởng của mình đó sao? Không chỉ thế, những hành vi a dua với các luận điệu sai trái, phát tán, chia sẻ, hay bình luận cổ súy cho họ, lại không phải là sự đồng lõa, tiếp tay cho kẻ thù hay sao? Bởi lẽ, điều đó chẳng những sẽ tạo ra môi trường “dung dưỡng” cho cái xấu, cái ác, mà còn làm tăng hiệu ứng tiêu cực trong đời sống xã hội. Thời gian qua, khi sự cố môi trường biển ở miền Trung xảy ra, một số người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, do thiếu cân nhắc chín chắn, lại tin vào những lời bịa đặt, kích động của kẻ xấu, đã tụ tập bất hợp pháp, đập phá máy móc, gây cản trở giao thông,… làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Trước những chiến dịch chống phá rầm rộ trên mạng xã hội, một số người, trong đó có cả phóng viên một số báo tham gia mạng xã hội đã quên mất vai trò, trách nhiệm của mình, bộc lộ quan điểm cá nhân, đồng lõa với các luận điệu sai trái, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận chung và chính người đó đã tự đào thải, v.v.
Để đạt được mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các thế lực phản động đang ra sức lợi dụng in-tơ-nét và mạng xã hội để xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Bởi vậy, mỗi người Việt Nam phải luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo, để không bị “cuốn vào” những cạm bẫy mà họ giương sẵn. Trước các luận điệu bịa đặt, vu khống, người tham gia mạng xã hội cần tỏ rõ chính kiến, kiên quyết đấu tranh, phản bác một cách có lý, có tình và có tính thuyết phục cao. Có như thế, chúng ta mới góp phần làm cho “môi trường” mạng xã hội ngày một thêm lành mạnh; đồng thời, cũng thể hiện bản lĩnh, cốt cách, thái độ, trách nhiệm của người Việt Nam trước những hành vi chống phá đất nước. Trong quá trình sử dụng internet, mạng xã hội, mỗi người cần nhận diện những trang báo, trang thông tin, diễn đàn,… mà thường xuyên đăng tải thông tin xấu độc, để đề cao cảnh giác và có cách ứng xử thích hợp. Người tham gia mạng xã hội không nên truy cập, chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc, vì nó không đáng tin cậy. Thực tiễn đã có những bài học đắt giá: một tờ báo mạng trong nước đăng lại thông tin của một tờ báo nước ngoài khi chưa được kiểm chứng, đã gây nên hậu quả nghiêm trọng; từ một đường link bịa đặt của một đối tượng xấu được báo chí hải ngoại dẫn lại, một số trang mạng xã hội trong nước chia sẻ, đã làm cho dư luận xã hội hết sức bất bình. Không những thế, quá trình dẫn nguồn, chia sẻ thông tin từ các trang mạng xã hội, chúng ta phải luôn chấp hành đúng quy định của pháp luật, phải tự khẳng định đâu là thông tin chính thống, đâu là ngụy tạo, không được dùng trang cá nhân để chia sẻ, tổng hợp như một trang thông tin điện tử và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời bình luận, những thông tin đi kèm đường link mà mình chia sẻ.
Một trong những luận điệu hiểm độc nhất mà họ thường dùng để tấn công Đảng ta trên mạng xã hội là, từ những vụ việc tham nhũng, móc ngoặc, hối lộ của một số cán bộ, đảng viên biến chất, họ suy diễn bản chất của Đảng và Nhà nước ta là không phải vì quyền lợi của đất nước và nhân dân, mà vì “nhóm lợi ích”, vì “túi tiền của các vị” (!) Đây là sự vu khống ghê tởm và là sự xuyên tạc hết sức trắng trợn, nhưng họ không thể đánh lừa được những người Việt Nam chân chính. Bởi lẽ, ai cũng biết rằng, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn làm tròn sứ mệnh được lịch sử giao phó: lãnh đạo toàn dân ta tiến hành thắng lợi cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giành độc lập, thống nhất đất nước; tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự thật hiển nhiên, ai cũng thấy và không kẻ thù địch nào có thể phủ nhận. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn chú ý “tự chỉnh đốn” để làm cho mọi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong những năm đổi mới, mặc dù bị tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường, nhưng đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, có một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, trong đó có những người là cán bộ cao cấp của Đảng thoái hóa, biến chất, sa vào tham nhũng, lãng phí, vi phạm các quy định về công tác cán bộ, về quản lý kinh tế,… gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, trong nhiều văn kiện, Đảng đã cảnh báo và đề ra các biện pháp khắc phục. Đặc biệt, trong hai nhiệm kỳ liên tục, Đảng đã dành hai Hội nghị Trung ương (Trung ương 4, khóa XI, XII) để phân tích và đưa ra các biện pháp khắc phục. Thực hiện Nghị quyết Trung ương, Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo: bất cứ người nào vi phạm đều bị xử lý theo đúng quy định, pháp luật và Điều lệ Đảng, không có trường hợp ngoại lệ, không có vùng cấm. Điều đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân; thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và tính thượng tôn pháp luật của xã hội ta, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; làm cho nhân dân càng thêm quý trọng, tin tưởng vào Đảng. Đó cũng là bằng chứng mạnh mẽ để bác bỏ luận điệu của các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bôi nhọ Đảng ta trên không gian mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét