Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

PHÁT HUY TINH THẦN QUYẾT CHIẾN, QUYẾT THẮNG CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA TRONG SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi là sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh các giai cấp, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới và đã vạch ra con đường giải phóng cho các giai cấp, các dân tộc bị áp bức trên hành tinh. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chủ động tiến công đã làm cho cuộc cách mạng nhanh chóng thành công và mang lại những giá trị to lớn cho nhân dân Nga và nhân loại tiến bộ.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười là hiện thực sinh động, biểu hiện sức mạnh của tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, Nước Nga trở thành nơi tập trung tất cả các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới, là khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc, tạo ra tình thế cách mạng trực tiếp. Đảng Bôn-sê-vich Nga đã được chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng và tổ chức lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản, chủ trương đấu tranh cách mạng giành chính quyền, thiết lập chuyên chính vô sản. Lênin đã phát hiện ra quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc và cho rằng, cách mạng vô sản có thể thắng lợi trong một số ít nước, thậm chí trong một nước, không phải là nước phát triển nhất, nhưng là khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa tư bản. Kết luận đó, đã cổ vũ những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga và thế giới kiên trì đấu tranh cho mục tiêu cách mạng.
Trong điều kiện đó, Cách mạng tư sản Nga Tháng Hai năm 1917 do giai cấp công nhân lãnh đạo đã nổ ra và giành thắng lợi, chế độ phong kiến Sa hoàng sụp đổ, chính quyền được trao vào tay giai cấp tư sản. Từ tháng 02 đến tháng 7 năm 1917, ở Nga có hai chính quyền song song tồn tại: Chính phủ lâm thời trong tay giai cấp tư sản, các Xô viết đại biểu công nhân và binh lính thuộc về nhân dân. Chính sách khủng bố, chống nhân dân của giai cấp tư sản và sự phản bội hoàn toàn của Đảng Mensêvích và Đảng Xã hội cách mạng càng làm cho công nhân và các tầng lớp nhân dân hướng theo ngọn cờ cách mạng của Đảng Bônsêvích. Việc đập tan vụ phiến loạn của tướng Coócnilốp vào tháng 8-1917 là một thắng lợi quan trọng của Đảng Bônsêvích, đánh dấu bước chuyển lớn khi đa số công nhân và nhân dân quyết định ngả về phía Đảng Bônsêvích, kiên quyết chặn đứng cuộc đảo chính phản động âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự của giai cấp tư sản. Đó là thắng lợi của việc xây dựng lực lượng, tiến tới “một cao trào quần chúng sâu sắc” của một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Từ mùa Thu năm 1917, cả nước Nga rộng lớn hầu như đã bị bao trùm bởi những cuộc đấu tranh dồn dập, mạnh mẽ của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân. Ngay từ trung tuần tháng 9, ở thành phố Tasken thuộc vùng Trung Á xa xôi đã nổ ra một cuộc đấu tranh lớn của nhân dân Udơbếch; những người khởi nghĩa tuyên bố thành lập chính quyền Xôviết. Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản đã tỏ rõ ra không còn đủ sức để ngăn chặn và đè bẹp phong trào đấu tranh của nhân dân; giai cấp tư sản đã trở thành kẻ thù chung của tất cả các giai cấp và các tầng lớp nhân dân trong nước.
Trong cuộc hội nghị Trung ương Đảng Bônsêvích họp ngày 10-10-1917 đã thông qua nghị quyết khởi nghĩa vũ trang. Lênin nhấn mạnh: “Bây giờ đa số đã ủng hộ chúng ta. Tình hình chính trị đã hoàn toàn chín muồi để chuyển chính quyền... cần phải xét đến mặt kỹ thuật của vấn đề. Tất cả vấn đề là ở chỗ đó”[1]. Cùng với Trung ương Đảng Bônsêvích, Lênin quyết định thành lập bộ tham mưu - trung tâm quân sự cách mạng để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, xác định lực lượng vũ trang của khởi nghĩa, định rõ những mục tiêu chiến lược ở thủ đô Pêtrôgrát cần phải đánh chiếm. Lênin đã đặc biệt quan tâm xây dựng đội Cận vệ đỏ - lực lượng vũ trang chủ yếu của giai cấp vô sản trong cuộc khởi nghĩa sắp tới.
Những ý kiến của Lênin đã trở thành cơ sở để Đảng Bônsêvích hoạch định kế hoạch chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang, bảo đảm thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang tiến tới rất khẩn trương và đầy quyết liệt. Ngày 24-10-1917, tình hình ở thủ đô Pêtrôgrát trở nên hết sức nghiêm trọng, khi Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản đã thi hành những biện pháp khẩn cấp nhằm đè bẹp các lực lượng cách mạng và tiêu diệt cuộc khởi nghĩa ở Thủ đô. Chính trong ngày hôm đó, Lênin đã ba lần gửi thư tới Trung ương Đảng Bônsêvích với yêu cầu khẩn thiết là phải khởi nghĩa ngay trong ngày hôm đó, ngay trong đêm 24-10. Lênin viết: “Tôi viết những dòng này vào tối ngày 24, tình hình thật vô cùng nguy cấp. Rất rõ ràng là hiện nay mà trì hoãn khởi nghĩa là chết. Tôi hết sức thuyết phục các đồng chí để thấy rằng hiện nay tất cả chỉ còn treo trên sợi tóc... Vô luận như thế nào tối nay, đêm nay, cũng phải bắt giam chính phủ cho bằng được, sau khi đã tước khí giới của bọn học sinh sĩ quan... Không thể chờ đợi được nữa! Chờ đợi thì có thể mất hết!... Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ; vì để đến ngày mai, không khéo họ sẽ mất nhiều, không khéo họ sẽ mất tất cả... Lịch sử tất cả các cuộc cách mạng đã chứng minh điều đó. Và những người cách mạng sẽ phạm tội ác vô cùng lớn, nếu họ bỏ mất thời cơ... Chậm trễ trong khởi nghĩa là chết”[2].Ngay sau đó, vào lúc nửa đêm, Lênin bí mật qua sông Nêva đi tới điện Xmônưi để trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã bắt đầu, toàn bộ kế hoạch khởi nghĩa do Lênin đề ra đã được hoàn thành thắng lợi; quân khởi nghĩa đã hoàn toàn làm chủ tình hình ở Pêtrôgrát, đập tan mọi chống cự và âm mưu phá hoại của Chính phủ lâm thời và giai cấp tư sản phản động. Ngày 25-10 (tức ngày 7-11-1917 theo Công lịch) đã đi vào lịch sử - ngày thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại. Đó hiện thực sinh động biểu hiện tinh thần đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mácxit chân chính. Sự kết hợp chặt chẽ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan đã tạo nên sức mạnh to lớn để giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành lấy những mục tiêu cụ thể, từ đó từng bước đi đến giành thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi của cách mạng Tháng Mười đã chứng minh một cách sinh động nhất tính chất triệt để, sâu sắc và toàn diện của cách mạng xã hội chủ nghĩa so với bất kỳ cuộc cách mạng xã hội nào trước đó. Từ Cách mạng Tháng Mười, lịch sử cách mạng Nga đã ghi những trang vàng chói lọi: xoá bỏ hoàn toàn ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản cùng những tàn tích của chế độ chuyên chế Nga Hoàng.
Từ tấm gương sinh động đó, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng to lớn đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Đầu thế kỷ XX, giữa lúc phong trào yêu nước Việt Nam đang khủng hoảng sâu sắc về đường lối thì ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga rọi chiếu đến nước ta. Trước cảnh nước mất, nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với khát vọng cháy bỏng là: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[3], đã đến với Cách mạng Tháng Mười, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Khi thời cơ thuận lợi đã tới “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[4]. Khát vọng và ý chí của toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Để bảo vệ thành quả cách mạng vĩ đại ấy, Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[5].
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài cấu kết với nhau nhằm bóp chết chính quyền cách mạng còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”[6]. Sau chín năm, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dân tộc ta đã làm nên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Cũng với tinh thần chiến đấu hy sinh kiên cường, bất khuất, sau 20 năm chiến đấu ròng rã, dân tộc ta đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tinh thần quyết chiến, quyết thắng đó không chỉ được thực hiện trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mà còn được phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ sau chiến thắng năm 1975 đến nay, cách mạng nước ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, phức tạp, song dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, sự nghiệp cách mạng ở nước ta tiếp tục tiến lên giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sau 30 đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng được nâng cao. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, sự nghiệp đổi mới ở nước ta cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự tôn vong của chế độ và niềm tin của nhân dân.
Vì vậy, để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được, cần tiếp tục phát huy tinh thần tiến công cách mạng phù hợp với điều kiện mới. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiến công vào nghèo nàn, lạc hậu, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, tạo bước tiến mới trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chăm lo đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc, từng bước giải quyết các vấn đề xã hội bảo vệ môi trường sinh thái. Không ngừng chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chủ động phòng chống mọi biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh của đất nước, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị, thế trận lòng dân; kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vũ khí cho quốc phòng - an ninh; xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Dù thế giới tiếp tục đổi thay và diễn biến phức tạp, nhưng những giá trị vĩnh hằng mà Cách mạng Tháng Mười Nga vạch ra cách đây 100 năm trước vẫn là khát vọng, là ước mơ cháy bỏng của loài người; tinh thần quyết chiến, quyết thắng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi người Việt Nam hôm nay, cần phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, tích cực, chủ động biến truyền thống thành bản lĩnh, ý chí; biến tinh thần thành hành động, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới./.

[1] V.I. Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976,T.34, tr.321 - 322,
[2] V.I. Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, T.34, tr.514,570-572
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2002, tr.161
[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 130.
[5] Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb CTQG, tập 4, H.2009, tr.4
[6] Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb CTQG, tập 4, H.2009, tr.480

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét