Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong lĩnh vực báo chí, văn học - nghệ thuật

Do những hạn chế trong cơ chế lãnh đạo, quản lý báo chí, các tờ báo của nhiều bộ, ngành đã mở rộng hoạt động kinh doanh đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Khu vực tư nhân tham gia hoạt động báo chí dưới nhiều hình thức khác nhau, đem lại nguồn tài chính cho nhiều báo. Vì vậy, việc quản lý của cơ quan chủ quản giảm, lỏng lẻo về nhân sự. Tính độc lập của một số tờ báo tăng, tự quyết định nội dung. Nhiều phóng viên hoạt động xa rời mục tiêu, nhiệm vụ của báo chí, một số có biểu hiện thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, bộc lộ tư tưởng tự do báo chí, muốn báo chí thực hiện chức năng "phản biện xã hội". Một số tờ báo có thời điếm đăng tải bài với nội dung nhạy cảm về chính trị, thậm chí trái quan điểm của Đảng, tác động xấu tới dư luận xã hội. Một số phóng viên đưa tin sai sự thật đã bị xử lý, một số báo bị đình bản.
Xuất hiện các trang web và blog trên mạng internet, thực chất là các dạng báo điện tử tư nhân đưa nhiều thông tín sai trái. Số kẻ cơ hội chính trị và các phần tử cực đoan lợi dụng làm diễn đàn "dân chủ" theo quan điểm của phương Tây, chống phá Đảng, Nhà nước, bênh vực cho những phần tử chống Đảng, chống đối chế độ, nhưng ta chưa kiểm soát được.
Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật có những biểu hiện đáng chú ý: Một số văn nghệ sĩ công khai bộc lộ thái độ hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Một số người bộc lộ thái độ không đồng tình trước một số chủ trương, quyết sách của Đảng, Chính phủ, cho đây là biểu hiện yếu kém, nóng vội, thiển cận của một sô đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong một bộ phận văn nghệ sĩ hình thành quan điểm, khuynh hướng muốn thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Họ cho rằng, sở dĩ hiện nay không có các tác phẩm hay, ngang tầm thời đại vì Đảng lãnh đạo chặt chẽ quá, các cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ quá. Xuất hiện khuynh hướng sáng tác "giải thiêng" các nhà văn theo cách mạng để chứng minh rằng theo Đảng sẽ không có tự do trong sáng tác, các tác phẩm bây giờ chi mang tính chất "văn chương minh họa", thậm chí có những tác phẩm ám chỉ, đả kích con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ muốn dấy lên khuynh hướng "phản tỉnh", "sám hối", "trở cờ" trong văn nghệ sĩ, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, đòi văn nghệ phải được độc lập với chính trị, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã thành lập hoặc tham gia các nhóm văn nghệ tự do nhằm đối trọng với các hội văn học - nghệ thuật do Đảng lãnh đạo. Trong văn học có những cái gọi là nhóm "Hội luận văn chương", "Câu lạc bộ Nguyễn Đình Thi"; "Nhóm thơ Mở miệng". Trong nghệ thuật có phái "Họa sĩ Hà Nội". Nhóm "Hội luận văn chương" do một số nhà văn thành lập từ năm 2008, lập trang web dưới danh nghĩa trao đổi, luận bàn về văn chương, nhưng họ chủ trương "hợp lưu" văn học trong nước với văn học hải ngoại, chủ trương "văn học không biên giới", không lệ thuộc vào chính trị; kích động xu hướng ly khai các hội văn học, nghệ thuật do Đảng lãnh đạo. Nhóm 62 nhà văn do ông Nguyên Ngọc đứng đầu lập ban vận động thành lập cái gọi là "Văn đoàn độc lập". Theo họ, văn đoàn này hoàn toàn độc lập với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong nước. Một trong những mục tiêu của "Văn đoàn độc lập" là bảo vệ quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm của các nhà văn trong nước. Đây là những biểu hiện không bình thường trong giới văn nghệ sĩ hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét