Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Công tác quản lý mạng xã hội trong tình hình mới

Hiện nay, ở Việt Nam, ước tính có khoảng 35 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 37% dân số. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút. Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia.
Mạng xã hội ở Việt Nam có thể phân thành hai loại, thứ nhất, mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước cung cấp và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Thứ hai, mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình như Facebook, Google, Youtube, Twitter, Microsoft... 
Trước tháng 8-2013, mạng xã hội tại Việt Nam được quản lý dưới phương thức đăng ký cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh, mạnh của mạng xã hội, Việt Nam đã thay đổi phương thức quản lý từ đăng ký cung cấp dịch vụ sang phương thức cấp giấy phép hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 270 mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động.
Các mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, đặc biệt là các trang đã được cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Số ít trường hợp để xảy ra sai phạm và nội dung vi phạm chủ yếu là cho thành viên chia sẻ, trao đổi các nội dung vi phạm về thuần phong mỹ tục, dung tục và phản cảm.
Các mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam được người Việt Nam lựa chọn sử dụng nhiều nhất hiện nay là Facebook và Youtube. Theo báo cáo của Google, Việt Nam là 1 trong nhóm 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất trên thế giới. 
Trong thời gian qua, các hành vi tiêu cực, như tung tin giả mạo, phát tán tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, phát ngôn gây thù ghét... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm nào. Để quản lý hoạt động của mạng xã hội, trong những năm qua, Việt Nam từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động in-tơ-nét nói chung và mạng xã hội nói riêng, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 
Các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng đã ban hành một số văn bản mang tính chỉ đạo, điều hành. Trong đó, tập trung yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội chủ động rà soát toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ của mình, nâng cao trách nhiệm quản lý thông tin trên mạng xã hội do mình cung cấp. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam thường xuyên chủ trì tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội nhằm tìm hiểu, nắm bắt xu hướng phát triển của loại hình này, cũng như trao đổi, tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phát huy khả năng để cạnh tranh với mạng xã hội nước ngoài.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam triển khai thường xuyên, quyết liệt. Trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành trên mạng xã hội, thì tùy theo tính chất mức độ, Việt Nam sẽ áp dụng hình thức xử lý phù hợp. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền,... Trong trường hợp không xác định được nhân thân của đối tượng vi phạm, hoặc đối tượng vi phạm ở nước ngoài, Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai phạm. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập được cơ chế phối hợp với Google và Facebook. Đây là hai dịch vụ của nước ngoài có khá đông người Việt Nam sử dụng. 
Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý mạng xã hội, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ, để từng người sử dụng có ý thức, trách nhiệm hơn khi phát ngôn trên mạng xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp thông tin, công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống góp phần hạn chế cơ hội phát triển của các phát ngôn vi phạm pháp luật, gây thù ghét trên mạng xã hội. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức, đoàn thể, giữa gia đình và nhà trường, giữa ý thức cá nhân với các phong trào mang tính cộng đồng, hướng tới mục tiêu cùng chung tay xây dựng mạng xã hội tại Việt Nam lành mạnh, an toàn, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét