Thanh niên, sinh viên là thế hệ trẻ - lực lượng “trụ cột”
của nước nhà đảm nhiệm trọng trách lớn lao là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực
hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó. Trong giai đoạn
cách mạng hiện nay, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc ngày càng nặng nề, đòi hỏi lực lượng thanh niên, sinh viên càng phải
nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong học tập, rèn luyện phát huy tinh
thần đoàn kết, bản lĩnh thế hệ xung kích thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được
giao. Thanh niên, sinh viên - họ là những trí thức trẻ, người lao động lành nghề,
có sự năng động, sáng tạo, tích cực, đây là nguồn lực quan trọng phục vụ sự
nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo tồn và phát huy những giá trị
văn hoá truyền thống của dân tộc. Với vai trò và nhiệm vụ quan trọng đó, hơn ai
hết bản thân mỗi thanh niên, sinh viên cần phải tích cực, chủ động, cần phải được
quan tâm đúng mực trong xây dựng và rèn luyện bản lĩnh chính trị để trở thành
những con người sống có mục tiêu, lý tưởng, hoài bão lớn, có niềm tin vào sự thành
công của chủ nghĩa xã hội, có tinh thần, ý thức dân tộc cao. Đây là yêu cầu có
tính cấp thiết hiện nay trước những biến động, thay đổi phức tạp, khó lường của
tình hình chính trị khu vực và thế giới, trước những âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến
hoà bình”, sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch đối với nước ta nói
chung và đối với thế hệ trẻ nói riêng.
Thanh niên, sinh viên là lực lượng chiếm số đông trong
dân cư, do đó mọi hoạt động, mọi hành động của họ đều có tác động, ảnh hưởng lớn
tới xã hội, có sức “lan toả” mạnh mẽ. Ở nhiều địa phương, thanh niên, sinh viên
được tin tưởng giao các nhiệm vụ quan trọng, có tính xã hội cao như: tuyên truyền,
phổ biến pháp luật, tuyên truyền xây dựng văn hoá, lối sống tiến bộ, kết nối tình
đoàn kết lực lượng và các tầng lớp trong xã hội… Thanh niên, sinh viên còn là
những nhân tố tích cực - hạt nhân quan trọng đi đầu trong phong trào học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào xung kích tình nguyện
vì cộng đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua có một bộ phận
thanh niên, sinh viên do thiếu hiểu biết, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, nói cách
khác là do bản lĩnh chính trị yếu kém đã dẫn đến có những hành vi không đúng
nguyên tắc, chuẩn mực chính trị. Qua thái độ phản ứng và cách giải quyết các vấn
đề chính trị-xã hội có phần cảm tính, theo số đông của một số thanh niên, sinh
viên dẫn đến sự lệch lạc, thiếu nhãn quan chính trị khoa học. Điều đáng phê phán
là chính mỗi hành vi đó của số ít thanh niên, sinh viên gây ra nhưng lại tác động
rất xấu đến tâm lý của cộng đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thanh niên, sinh
viên ngày nay dễ có những phản ứng sai trái, lệch chuẩn về quan điểm chính trị.
Trong đó phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nó đã tạo ra cho
thanh niên, sinh viên những không gian “thoải mái” để bàn luận, chia sẻ và thể
hiện quan điểm, thái độ của mình về mọi lĩnh vực không chỉ về đời sống cá nhân
mà cả những vấn đề của cộng đồng xã hội. Điều đáng buồn, đáng xấu hổ là có không
ít thanh niên, sinh viên được học hành tử tế, có trình độ nhưng lại không ngần
ngại nói ra những quan điểm về các vấn đề nhạy cảm của cộng đồng, của đời sống
chính trị mà không có sự tư duy, cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng. Không phủ nhận rằng,
đa số thanh niên, sinh viên hiện nay khi tiếp xúc với họ về nhận thức chính trị
họ thực sự là những người có kiến thức, sáng tạo, yêu nước và có ý thức dân tộc
sâu sắc. Vấn đề ở chỗ, do thiếu tính định hướng rõ ràng, chưa được quan tâm, uốn
nắn thường xuyên nên một bộ phận thanh niên, sinh viên có những biểu hiện và hành
vi chưa chuẩn mực. Đây chính là sự biểu hiện thiếu hụt về bản lĩnh chính trị, nếu
không được bồi dưỡng, rèn luyện kịp thời và thường xuyên thanh niên, sinh viên
sẽ dễ có nhận thức lệch lạc, dễ bị dao động, lôi kéo, thậm chí sẵn sàng bỏ qua ý
thức dân tộc cũng như vai trò của bản thân đối với cộng đồng, đất nước.
Mặt khác, nhiều thanh niên, sinh viên hiện nay bị ảnh
hưởng của lối sống hiện đại, nhiều người quá coi trọng việc học tập kiến thức
chuyên môn nghiệp vụ, dẫn tới việc phớt lờ, thờ ơ với việc học tập lý luận chính
trị. Đáng buồn là có nhiều thanh niên, sinh viên rất mơ hồ về lịch sử và truyền
thống dân tộc, thế nên mới có chuyện “sành sử tầu hơn sử ta”, nghiện phim Hàn
Quốc hơn là theo dõi các sự kiện về đất nước, con người Việt Nam … Đây chính là biểu hiện của việc
thanh niên, sinh viên không chú trọng tới rèn luyện bản lĩnh chính trị cho mình,
trong khi đây được coi là nhân tố quan trọng – “bản lĩnh thứ nhất” của thanh niên,
sinh viên, cơ sở hình thành những phẩm chất, đức tính tốt đẹp khác của họ trong
thời kỳ mới. Rõ ràng thanh niên, sinh viên là những người có nhiều lợi thế hơn
các lực lượng khác trong việc học tập lý luận chính trị, song trên thực tế họ
chưa phát huy được hết những lợi thế và vai trò của mình. Đặc biệt điều đáng lo
ngại là hiện nay hầu như thanh niên, sinh viên đang có biểu hiện quay lưng với
các môn học giáo dục chính trị, trong khi đó các môn học này lại có vai trò nền
tảng trong rèn luyện bản lĩnh chính trị cần thiết cho thế hệ trẻ. Thêm vào đó,
hầu hết thanh niên, sinh viên hiện nay vẫn còn biểu hiện thờ ơ, chưa thật sự
nhiệt tình, chưa được cuốn hút vào các hoạt động xã hội, sinh hoạt tư tưởng thường
xuyên nên dễ có những cách nhìn phiến diện, lệch lạc về những vấn đề chính trị,
xã hội.
Trước thực trạng đó đặt ra yêu cầu đối với tổ chức đoàn,
hội và các nhà trường cần phải tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng chính trị,
xây dựng bản lĩnh chính trị cho thanh niên, sinh viên để họ có được sự hiểu biết
cần thiết, hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng “đủ sức” vượt qua mọi cám dỗ,
thử thách trong thời buổi phức tạp của đời sống chính trị hiện nay, cụ thể cần
làm tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một
là, tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả của công tác giáo dục
chính trị, giáo dục ý thức công dân cho thanh niên, sinh viên.
Đây là hoạt động có vai trò nền tảng trong việc trang
bị kiến thức hiểu biết đúng đắn về đời sống chính trị, xã hội cho thanh niên,
sinh viên, xây dựng cho thanh niên, sinh viên có nhận thức luận và thế giới
quan khoa học, biết ứng xử chuẩn mực với các sự kiện, thông tin trong cộng đồng.
Chỉ khi nào bản thân mỗi thanh niên, sinh viên nhận thức rõ được ý thức, trách
nhiệm công dân của mình khi đó họ sẽ luôn ghép mình vào khuôn khổ những chuẩn mực
đạo đức xã hội, có được những hành vi ứng xử đúng mực. Nội dung giáo dục chính
trị cần tập trung vào trang bị những kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, đường
lối quan điểm của Đảng, chính sách và luật pháp của nhà nước. Đồng thời, chỉ rõ
cho thanh niên, sinh viên biết được vai trò, trách nhiệm của thế hệ mình với dân
tộc, đất nước từ đó không ngừng tu dưỡng, rèn luyện xứng đáng với sự kỳ vọng của
Đảng và nhân dân dành cho. Việc nâng cao ý thức công dân cho thanh niên, sinh
viên sẽ giúp họ luôn biết suy nghĩ, cân nhắc với mỗi hành vi của mình để không ảnh
hưởng xấu tới dư luận xã hội, tới lợi ích quốc gia dân tộc.
Hai
là, tạo dựng sân chơi, không gian chia sẻ, trao đổi, học tập và hoạt động
xã hội lành mạnh cho thanh niên, sinh viên.
Hiện nay sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, sự
thiếu kiểm soát, định hướng kịp thời các nguồn thông tin của các cơ quan chức năng
đã khiến cho không ít thanh niên, sinh viên tiếp cận phải các thông tin sai lệch,
dẫn tới những suy nghĩ, nhìn nhận lệch lạc về xã hội, cộng đồng. Do đó, cần phải
tạo ra một sân chơi lành mạnh, thuận lợi để đông đảo thanh niên, sinh viên được
học tập, giao lưu và trao đổi những kiến thức, hiểu biết về các vấn đề xã hội
quan tâm, những sự kiện quan trọng của đất nước. Qua đó, giúp họ có cách nhìn
nhận toàn diện, chính xác hơn, xoá bỏ những nghi ngờ, lệch lạc của cách nhìn nhận
phiến diện, tư duy cảm tính. Hiện nay cần hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của các
trang mạng xã hội, thay vào đó thu hút thanh niên, sinh viên tích cực tham gia
các hoạt động phong trào hướng tới các hoạt động thực tiễn, tình nguyện, đồng
thời tổ chức nhiều câu lạc bộ, các cuộc thi, cuộc giao lưu để thanh niên, sinh
viên được trải nghiệm thực tiễn qua đó hình thành bản lĩnh, cách ứng xử khoa học.
Ba
là, tạo điều kiện cho thanh niên, sinh viên tham gia các hoạt động phong
trào, hoà mình vào thực tiễn chính trị để rèn luyện, củng cố bản lĩnh chính
trị.
Các hoạt động thực tiễn xung kích tình nguyện vào thực
hiện các nhiệm vụ của xã hội như: hiến máu tình nguyện, cứu hộ cứu nạn, tình
nguyện bảo vệ môi trường, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… nhất là việc phát
huy vai trò của tuổi trẻ trong tuyên truyền, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu
của các lực lượng thù địch mang lại hiệu quả tích cực trong việc rèn luyện, hình
thành bản lĩnh chính trị vững vàng cho thanh niên, sinh viên. Thực tiễn cho thấy,
khi phát huy được vai trò của đông đảo thanh niên, sinh viên tham gia vào các
hoạt động thực tiễn xã hội, tham gia vào đời sống chính trị của đất nước thì bản
thân họ sẽ luôn ý thức rõ ràng được trách nhiệm của mình đối với vận mệnh đất nước,
có trách nhiệm với dư luận cộng đồng. Sự trải nghiệm thực tiễn, nhu cầu được
tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội của đất nước không chỉ giúp cho
thế hệ trẻ thấy được vị trí, trách nhiệm của mình với đất nước, mà qua đó còn góp
phần quan trọng hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng cho thanh niên, sinh viên.
Bốn
là, coi trọng hơn nữa việc học tập và tìm hiểu lịch sử truyền thống tốt
đẹp của dân tộc đối với lực lượng thanh niên, sinh viên.
Có một bộ phận thanh niên, sinh viên hiện nay có biểu
hiện “quay lưng” lại với lịch sử, với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân
tộc. Họ sẵn sàng “trà đạp” lên những giá trị truyền thống tốt đẹp để chạy theo
những giá trị phù phiếm, ảo tưởng để rồi đánh mất mình lúc nào không hay. Đây là
một thực tế khiến không ít người lo ngại cho một bộ phận thanh niên, sinh viên
sẽ bị trượt dài trong sự sai lầm, thậm chí dẫn tới phạm tội. Giới trẻ sẽ không
thể trưởng thành và làm tròn được sứ mệnh lịch sử của mình nếu như họ lãng quên
quá khứ, coi nhẹ giá trị truyền thống. Do đó, thời gian tới tổ chức đoàn các cấp
và nhà trường cần phải tăng cường các nội dung học tập, tìm hiểu lịch sử truyền
thống tốt đẹp của dân tộc cho thanh niên, sinh viên để họ có hiểu biết đầy đủ về
lịch sử dân tộc, củng cố lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với đất nước. Các
nội dung học tập, bồi dưỡng về lịch sử truyền thống cần có bước “đột phá” trong
nội dung, cách thức tạo sức hấp dẫn lớn nhằm lôi cuốn đông đảo thanh niên, sinh
viên tham gia. Tóm lại, để xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho thanh niên,
sinh viên cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của tổ chức đoàn, nhà trường
và các tổ chức chính trị - xã hội để giúp thế hệ trẻ hoàn thành tốt vai trò, trách
nhiệm của mình với vận mệnh dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét