Về
mặt lý luận, kinh tế nhà nước dựa trên chế độ công hữu (sở hữu Nhà nước) về
tư liệu sản xuất; là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng
sản xuất. Mỗi chế độ xã hội bao giờ cũng có thành phần kinh tế chủ đạo. Trong nền
kinh tế tư bản chủ nghĩa, thành phần kinh tế tư bản tư nhân dựa trên chế độ sở
hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là chủ yếu, nền tảng; kinh tế nhà nước và doanh
nghiệp nhà nước được xây dựng trên cơ sở sở hữu nhà nước tư bản độc quyền có
vai trò to lớn. Ở Việt Nam, nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu
đang được xây dựng và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó, sở
hữu nhà nước và thành phần kinh tế nhà nước là đặc trưng, giữ vai trò chủ đạo
và là một trong các yếu tố quan trọng đảm bảo cho nền kinh tế thị trường phù hợp
với quy luật khách quan của thời kỳ quá độ ở nước ta. Nó được ví như “hòn đá thử
vàng” để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến
trình phát triển kinh tế. Nếu không có thành phần kinh tế nhà nước thì không thể
nói tới chủ nghĩa xã hội; thành phần kinh tế nhà nước không thực hiện tốt
vai trò chủ đạo của thì cũng không thể nói tới định hướng xã hội chủ nghĩa
và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Về
mặt thực tiễn, từ khi được xác định là vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc
dân, kinh tế nhà nước ngày càng khẳng định vị thế của mình trong các thành phần
kinh tế. Do bản chất và mục đích hoạt động, nên thành phần kinh tế nhà nước có
vai trò chính trị - xã hội to lớn. Các doanh nghiệp trong thành phần kinh tế
nhà nước luôn là “người lính đi đầu” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước; đóng vai trò quan trọng trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của
nền kinh tế, như: viễn thông, than, điện, xăng dầu, khai khoáng, tài chính,
ngân hàng và các dịch vụ công thiết yếu đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, sản xuất
trong nước và xuất khẩu. So với tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp tương ứng,
khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 79% trong lĩnh vực khai khoáng; 91% trong
lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 65% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác
thải; 80% trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; 57% trong lĩnh vực tài chính,
ngân hàng, bảo hiểm. So với tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các ngành
tương ứng, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 86% trong lĩnh vực khai khoáng;
96,8% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 72,94% trong lĩnh vực cung cấp
nước, xử lý rác thải; 82% trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; 48% trong
lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng tài
sản của các doanh nghiệp nhà nước năm 2015 là 3.043.687 tỷ đồng, tương đương
72,5% GDP; trong đó, các tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước, công ty mẹ -
con có tổng tài sản là 2.821.006 tỷ đồng, chiếm 93% tổng tài sản của khu vực
doanh nghiệp nhà nước. Tỷ trọng thu doanh nghiệp nhà nước trong tổng thu ngân
sách quốc gia đạt 19,3% (giai đoạn 2006-2010) và 22% (giai đoạn 2011-2015), lớn
nhất so với các thành phần kinh tế khác.
Các
doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để thực hiện hiệu quả các chính
sách ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm
phát, đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng,
chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là nguồn thu lớn của ngân sách Nhà nước. Nhiều
doanh nghiệp nhà nước trực tiếp tham gia phủ xanh đất trống, đồi trọc, nhiệm vụ
quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, biển đảo; tích cực thực hiện chính sách
an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; mở rộng phạm vi hoạt động, đầu tư vào vùng
sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế
- xã hội. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đi đầu trong thực hiện
Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh
và bền vững đối với các huyện nghèo; tích cực tham gia đầu tư các công trình
xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi ở nông thôn, trường học, trạm y tế
xã, xây dựng nhà cho người nghèo, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, tôn tạo, tu
bổ nghĩa trang liệt sĩ, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Đồng
thời, đảm nhận sản xuất, kinh doanh những hàng hóa công cộng thiết yếu; những
ngành ở địa bàn khó khăn, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, góp phần bảo đảm
cân bằng về đầu tư phát triển vùng, miền, v.v. Hiện nay, việc cơ cấu lại doanh
nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, số lượng được thu gọn hơn, tập trung vào những
ngành, lĩnh vực then chốt; cơ chế hoạt động đã có bước đổi mới theo hướng tự chủ
kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, nâng cao tính hiệu quả
và năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Như
vậy, có thể khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đúng đắn, cần thiết. Tuy vẫn
còn những hạn chế, yếu kém, song đó là những yếu kém trong khâu tổ chức, quản
lý sản xuất, kinh doanh, năng lực điều hành của một số nhà quản trị, lãnh đạo
doanh nghiệp, chứ không phải là sai lầm về quan điểm, chủ trương khi Đảng ta
xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Hơn nữa, nhìn chung toàn bộ nền
kinh tế, trong đó có kinh tế nhà nước dựa trên lực lượng sản xuất chưa phát triển,
cùng với nền kinh tế thị trường còn mới mẻ và hội nhập quốc tế, chúng ta vừa học
hỏi, tìm tòi, vừa rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực tiễn thì những hạn chế đó
là khó tránh khỏi. Suy cho cùng, kinh tế nhà nước vẫn là thành phần kinh tế
mang ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn mà không phải thành phần kinh tế nào
cũng làm được và là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều
tiết, thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc
Đảng ta khẳng định thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm, định hướng chính trị hoàn
toàn đúng đắn, phù hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, quy luật phát
triển của thời kỳ quá độ và đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Một số người
đang cố tình hạ thấp vai trò của kinh tế nhà nước, cổ súy, đề cao, đòi tư nhân
hóa nền kinh tế nhằm thực hiện mưu đồ hướng lái sự phát triển của cách mạng Việt
Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa. Mục đích thật của họ không mấy khó hiểu,
thậm chí rất rõ ràng: Thâm độc, xảo quyệt. Bởi, cơ sở hạ tầng quyết định kiến
trúc thượng tầng, khi tư nhân hóa nền kinh tế thì tất yếu đất nước sẽ chệch hướng
xã hội chủ nghĩa - con đường phát triển mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta dứt
khoát lựa chọn. Hãy cảnh giác và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ nguy
hiểm đó!./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét