Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Cách nhìn phiến diện phủ nhận vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước

Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn đổi mới đất nước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Quan điểm đó của Đảng là hoàn toàn đúng, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thế nhưng, vẫn có ý kiến trái chiều, phủ nhận vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế này.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TW về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” nhằm tổng kết, đánh giá việc sắp xếp, cơ cấu, đổi mới và đề ra các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Nội hàm của Nghị quyết đã thể hiện rõ đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta là đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn của thời kỳ quá độ ở Việt Nam và là một đảm bảo quan trọng để thành phần kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế quốc dân.
Sau khi Nghị quyết ban hành, trên một số trang mạng xã hội, blog cá nhân xuất hiện những ý kiến trái ngược với quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế nhiều thành phần. Họ cho rằng, với quan niệm là vai trò chủ đạo thì kinh tế nhà nước sẽ “lãnh đạo” các thành phần kinh tế khác! Việc Đảng Cộng sản Việt Nam “xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Việt Nam đã phải trả giá đắt, trong lĩnh vực kinh tế thì thành phần nhà nước là thành phần duy nhất xảy ra tham nhũng, như vậy Việt Nam là nước không chịu phát triển”, v.v. Một số người chỉ dựa vào những yếu kém, hạn chế của tập đoàn, tổng công ty nhà nước để phủ nhận vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước, tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân. Từ đó, họ đòi tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước hoặc “khuyên” Đảng ta nên bỏ cụm từ “vai trò chủ đạo” đối với thành phần kinh tế này, v.v. Tất cả quan niệm đó, đều là cách nhìn phiến diện, một chiều, đánh đồng hiện tượng với bản chất, “thấy cây mà không thấy rừng”, chỉ thấy mặt tiêu cực mà không thấy hết vai trò to lớn của kinh tế nhà nước.
Khi đưa ra đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tồn tại nhiều thành phần kinh tế, Đảng ta xác định các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo chứ không “lãnh đạo” đối với các thành phần kinh tế khác như một số luận điệu vẫn rêu rao. Đồng thời, chỉ rõ: kinh tế nhà nước “là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”. Nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế là nói đến tầm quan trọng và tính chất quyết định của nó đối với đường hướng phát triển của một chế độ xã hội; nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế và là lực lượng có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ, liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Ngoài ra, kinh tế nhà nước còn đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ở những vùng chiến lược, khó khăn vượt quá khả năng của các thành phần kinh tế khác và tham gia vào những lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao...
Việc Đảng ta xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân được thực hiện trên cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học, chứ không hề mang tính chủ quan, áp đặt, duy ý chí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét