Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Xu thế phát triển của mạng xã hội trong tình hình hiện nay

Thứ nhất, mạng xã hội sẽ trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội đối với người dân.
Với việc liên tục cập nhật những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cho việc phát triển nền tảng công nghệ, các mạng xã hội đang ngày càng thông minh hơn và mang lại nhiều tiện ích lớn hơn cho người sử dụng. Không dừng lại ở việc cung cấp thông tin từ người dùng, mạng xã hội đang thực sự lớn mạnh và bước vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ việc liên lạc, kết nối đến sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích cho việc học tập, phát triển kinh doanh của tất cả các cá nhân và tổ chức. 
Bên cạnh đó, với số lượng người dùng tăng trưởng nhanh chóng, các mạng xã hội đang thực sự tạo ra một “xã hội ảo” tồn tại song song với xã hội thực, sự lan truyền hay “lây nhiễm” của mạng xã hội đang khiến cho bất kỳ cá nhân nào, đặc biệt là những người trẻ - đối tượng có thể hấp thụ nhanh chóng về công nghệ, buộc phải tham gia vào mạng xã hội nếu không muốn đứng lại hay lạc hậu so với xã hội. Chính vì vậy, sự phát triển của các mạng xã hội sẽ không bị thoái trào mà còn ngày càng phát triển và ảnh hưởng tới hành vi của con người cũng như sự phát triển của xã hội thực.
Thứ hai, mạng xã hội trở thành môi trường thuận lợi để thông tin xấu độc, gây hại, những phát ngôn thù ghét phát triển, lan tỏa; mức độ tác động đến xã hội ngày càng nghiêm trọng.
Tại hội nghị triển khai công tác hằng năm, Chính phủ Việt Nam đều đánh giá: Nhiều thông tin không chính thống trên mạng xã hội đã làm nhiễu loạn, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, không thể ngăn cấm mạng xã hội bằng những mệnh lệnh hành chính, mà phải biết tận dụng mặt tích cực của nó để định hướng dư luận đến với cái đúng, cái tốt, đấu tranh với cái sai, cái xấu. Điều đó chỉ có thể được thực hiện khi cơ quan chức năng chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến với người dân. 
Tại Việt Nam, các mạng xã hội đang trở thành một kênh thông tin thiết yếu của người dân. Với độ mở cao, thông tin trên các mạng xã hội có sức lan truyền rất nhanh và diện bao phủ cũng vô cùng rộng lớn. Tuy nhiên, độ trung thực, tính chính xác, tích cực của thông tin trên mạng xã hội lại phụ thuộc chủ yếu vào ý thức, trách nhiệm và mục đích của cá nhân người đăng tải.
Trong môi trường phát triển số hóa mạnh mẽ như ngày nay, mạng xã hội cũng như “con dao hai lưỡi”. Nhiều người rất khó để phân biệt được đâu là thực tế (tin thật), đâu là màn kịch được dựng lên (tin giả). Vì thế, thời gian qua xuất hiện không ít thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn bịa đặt, vu khống, sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức và cá nhân, gây hoang mang và bất bình trong dư luận xã hội. Loại thông tin độc hại này đã và đang trực tiếp làm mạng xã hội trở thành thế giới ảo theo đúng nghĩa đen, và làm cho sự thiện chí, lương thiện của hàng triệu người lành mạnh, tử tế dùng mạng xã hội như bị chìm lấp trong trận đồ bát quái giữa thật và giả, giữa trắng và đen, giữa tích cực và tiêu cực… 
Thứ ba, mạng xã hội trở thành cánh tay nối dài của báo chí truyền thống.
Mạng xã hội đáp ứng một nhu cầu quan trọng của cuộc sống con người là tạo lập các mối tương tác, tạo điều kiện để mỗi người có thể thể hiện suy nghĩ, tâm tư, sở thích, biểu lộ tình cảm, trao đổi, chia sẻ trải nghiệm, tham khảo ý kiến, trình bày quan niệm về vấn đề nào đó của xã hội hoặc của cá nhân... Tính kết nối, chia sẻ gắn liền với mỗi cá nhân đã làm cho thông tin trên mạng xã hội hết sức phong phú. 
Các tiện ích của mạng xã hội ngày càng thu hút nhiều người, tạo ra môi trường mở giúp giao lưu, liên kết. Từ các tiện ích đó, nhiều cơ quan báo chí truyền thống lập trang Facebook của báo để mở rộng thông tin đến bạn đọc. Có thể nói, mạng xã hội đang đóng góp vào hoạt động của các nhà báo một cách quan trọng trên 3 khía cạnh. Một là, nguồn cung cấp thông tin rộng lớn cho các nhà báo, với nhiều tiếng nói khác nhau, từ chính trị gia cho đến người dân bình thường, từ miền xuôi cho đến miền ngược, người giàu, người nghèo đều có thể đưa thông tin, và trở thành nguồn tin của nhà báo. Hai là, với sự tham gia tích cực của những người sử dụng mạng xã hội, nhà báo có vai trò và trách nhiệm xã hội quan trọng khi đưa ra các vấn đề, tạo sự thảo luận, đưa ra chính kiến cá nhân. Ba là, sự truyền tải thông tin rộng khắp của mạng xã hội giúp các nhà báo đưa thông tin đến người đọc, và thu hút người đọc đến các trang báo mạng của mình. 
Thứ tư, mạng xã hội tạo điều kiện cho loại hình “báo chí công dân” phát triển.
Nhờ những công cụ hấp dẫn và tiện ích mà mạng xã hội cung cấp cho người sử dụng, ví dụ như chức năng live stream của Facebook cùng với những tiện ích khác trong việc post hình ảnh, lời thoại…, bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể tạo ra một “cơ quan truyền thông” của cá nhân mình, sản xuất tin, bài báo chí như một tòa soạn thu nhỏ với đầy đủ các loại hình tích hợp “báo in”, “báo nói” và “báo hình”. 
Mặc dù đa số người tham gia mạng xã hội thiếu kỹ năng hoặc không được đào tạo về nghề báo, song chính in-tơ-nét lại giúp họ được hoạt động với cơ chế như một phóng viên, biên tập viên. Điểm khác biệt là việc biên tập được thực hiện từ nhiều phía, và thường là sau khi sự việc đã diễn ra chứ không phải là trước đó.
Trong hệ thống thông tin này, người dân dựa vào nhau để đưa tin, truyền tải và hiệu chỉnh một câu chuyện khi nó tiếp diễn. Từ đó, hình thành nên một bộ phận “nhà báo công dân” có sức ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội, trực tiếp cạnh tranh với các cơ quan báo chí, truyền thông truyền thống và cả những nhà báo làm việc cho các cơ quan này. Điều này đặt ra nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý báo chí trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét