Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Quan niệm thực hiện chính sách dân tộc hiện nay


Thực hiện chính sách dân tộc là một giai đoạn của chu trình chính sách dân tộc. Đây là quá trình hiện thực hóa chính sách dân tộc, đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, đến với người dân các dân tộc.
 Thực hiện chính sách dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng. Tổ chức thực hiện chính sách dân tộc muốn thuận lợi, trước hết phải có chính sách dân tộc đúng. Song, nếu có chính sách dân tộc đúng nhưng tổ chức thực hiện không tốt thì chính sách dân tộc chỉ nằm trên giấy, chỉ là sự mong muốn, hoặc chỉ là các khẩu hiệu. Tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trực tiếp quyết định kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi… khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[1].
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được hiểu là tổng thể các hoạt động theo sự phân công và phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị có liên quan trong hệ thống chính trị và của đối tượng thụ hưởng chính sách; được tiến hành trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các quan hệ xã hội, nhằm làm cho mục tiêu, nội dung chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trở thành hiện thực trong đời sống.
 Chủ thể thực hiện chính sách dân tộc là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hệ thống chính trị các cấp và đồng bào các dân tộc. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, đồng bào các dân tộc thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách là chủ thể trực tiếp tiến hành các hoạt động để đưa chính sách dân tộc vào cuộc sống, đem lại kết quả thực tế.
Thực hiện chính sách dân tộc là quá trình hiện thực hóa chính sách dân tộc trên các lĩnh vực đời sống xã hội với những nội dung chủ yếu là: xác định các tổ chức, lực lượng tham gia; nhiệm vụ của từng tổ chức, lực lượng; xác lập mối quan hệ giữa các bộ phận này (theo chiều dọc và chiều ngang) trong quá trình thực hiện chính sách. Chỉ khi nào chúng ta xác định đúng những công việc cần làm, lựa chọn chuẩn xác những tổ chức có đủ khả năng thực hiện; phân công phù hợp, rõ ràng trách nhiệm và tạo được mối liên hệ phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức và lực lượng thì việc thực hiện chính sách dân tộc mới được định hình về cơ bản. Ngược lại nếu quá trình thực hiện chính sách dân tộc không chặt chẽ, hợp lý, thì mục tiêu của chính sách dân tộc không được thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ, thậm chí có thể có những lệch lạc. 



[1] Hồ Chí Minh (1948), Một việc mà các cơ quan cần thực hành ngay”, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 636.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét