Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Một số vấn đề chung về đoàn kinh tế - quốc phòng


Thành lập đoàn kinh tế - quốc phòng là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi và vùng sâu, vùng xa”, Quân đội được giao nhiệm vụ xây dựng các vùng kinh tế mới, đỡ đầu, đón nhận 100.000 hộ dân nghèo đói của cả nước đến lập nghiệp ở những vùng đất còn hoang hóa, dọc biên giới. Triển khai nhiệm vụ này, ngày 01 tháng 8 năm 1998, Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Nghị quyết số 150/ĐUQSTW  “Về việc quân đội tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược”, trong đó xác định chủ trương xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm; lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là các đoàn kinh tế - quốc phòng. Đây là xuất phát điểm ra đời và phát triển các đoàn kinh tế - quốc phòng.
Đoàn kinh tế - quốc phòng là đơn vị quân đội do Bộ Quốc phòng thành lập để triển khai dự án xây dựng khu kinh tế - quốc phòng. Từ hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng, ngày 31 tháng 3 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 277/2000/QĐ - TTg phê duyệt “Đề án tổng thể quân đội tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược biên giới, ven biển”. Qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay toàn quân có 27 đoàn kinh tế - quốc phòng đảm nhiệm xây dựng 28 khu kinh tế - quốc phòng với nhiều quy mô khác nhau tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nằm dọc trên tuyến biên giới đất liền, ven biển và đảo gần bờ của cả nước
Đoàn kinh tế - quốc phòng có hai loại: Một là, các đoàn kinh tế - quốc phòng thuộc địa bàn từ Quân khu 5 trở vào phía Nam nhiệm vụ sản xuất tập trung, thông qua việc trực tiếp tổ chức sản xuất để xoá đói giảm nghèo, hình thành các khu kinh tế tập trung, tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; hai là, các đoàn kinh tế - quốc phòng thuộc địa bàn từ Quân khu 4 trở ra phía Bắc không sản xuất tập trung, thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh là chủ yếu. 

Đoàn kinh tế - quốc phòng là một mô hình tổ chức đặc thù của quân đội, cùng lúc thực hiện 3 chức năng: chiến đấu, công tác và lao động sản xuất.   Song, tùy tình hình cụ thể, thời điểm cụ thể và đặc điểm, tính chất địa bàn hoạt động mà việc thực hiện theo từng chức năng của đoàn kinh tế - quốc phòng được thể hiện với mức độ khác nhau, nhưng xét ở phạm vi chung thì chức năng công tác và lao động sản xuất nổi lên thường xuyên và phổ biến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét