Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

MẤY SUY NGHĨ VỀ VAI TRÒ CỦA NHÀ GIÁO TRONG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO HIỆN NAY

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất dù là tên tuổi không được đăng trên báo, không được hưởng huân chương, những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”. Nhận thức sâu sắc sứ mệnh cao cả của mình, lớp lớp các thế hệ nhà giáo đã không ngừng tu dưỡng phẩm chất, nâng cao năng lực, cống hiến trí tuệ, công sức và cuộc đời cho sự nghiệp “trồng người”.
Hiện nay, trước thời cơ, vận hội và thách thức mới của dân tộc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng ta về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học... Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.”. Đội ngũ giảng viên là nhân tố trực tiếp quyết định chất lượng của quá trình đổi mới giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, người giảng viên không đóng vai trò truyền dạy kiến thức, mà trở thành người trực tiếp tổ chức hoạt động giáo dục, đào tạo; chuyển từ vai trò người “truyền thụ kiến thức” trở thành người “dạy cách học. Chức năng chủ yếu của người giáo viên là tổ chức, dẫn dắt, định hướng quá trình học tập của người học và thúc đẩy động cơ, truyền cảm hứng cho người học, làm cho người học tự giác cao độ về việc học tập, tự tìm kiếm kiến thức bằng suy nghĩ, hành động của bản thân. Người giảng viên trở thành người đạo diễn, “bạn đồng hành” “bình đẳng” cùng học trò trong quá trình đi tìm chân lý. Dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giảng viên, người học tự tìm cách chiếm lĩnh tri thức khoa học, tự giác rèn luyện một cách tính tích cực, chủ động, sáng tạo để từng bước phát triển năng lực nghề nghiệp. Công việc của người giảng viên không phải dễ dàng hơn mà càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn - đó không chỉ là công việc của nhà giáo mà còn là công việc của nhà khoa học, nhà văn hóa.
  Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi mỗi giảng viên phải có sự nỗ lực  cao để nâng cao phẩm chất, năng lực của bản thân. Trong thời đại của tri thức và khoa học công nghệ hiện đại, người giảng viên phải năng động, chủ động tiếp thu những kiến thức mới, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Hơn thế nữa, trước những tác động mạnh mẽ của mặt trái cơ chế thị trường, mỗi giảng viên cần phải thường xuyên bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong công tác khoa học, giữ gìn, rèn dũa đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, mỗi giảng viên phải thật sự trở thành những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, có đủ sức mạnh của ý chí, bản lĩnh và nhiệt huyết để vượt qua những khó khăn, thách thức trong công việc cũng như trong cuộc sống. 

 Dù xã hội có nhiều biến động, Nhà giáo vẫn là những người được tôn vinh, kính trọng, nghề giáo vẫn là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Điều đó, đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, vươn lên, luôn tìm tòi, sáng tạo, tiếp nối xứng đáng truyền thống của các thế hệ đi trước; góp phần tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét