Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Nhận diện và phê phán những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

a. Nhận diện
Một là, phủ nhận tính ưu việt, tính tiến bộ của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, cho rằng nền dân chủ tư sản là dân chủ cao nhất với nhà nước pháp quyền và xã hội công dân cùng cơ chế đa đảng, cơ chế tam quyền phân lập.
Hai là, phủ nhận sự ra đời của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phải thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa, cho rằng dân chủ tư sản tự nó vượt ngưỡng thành dân chủ cao, triệt để…
Ba là, tách rời, đối lập giữa dân chủ với chuyên chính của một nền dân chủ, trong thực hiện chức năng của nhà nước dân chủ.
Bốn là, phủ nhận khả năng tổ chức và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa (chuyên chính vô sản) trong đó có mục tiêu xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Năm là, dân chủ gắn với nhân quyền, đặt nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia.
b. Phê phán
Một là, dân chủ tư sản không phải là nền dân chủ cao nhất, dân chủ cuối cùng của lịch sử. Chủ nghĩa Mác - Lênin đánh giá cao sự ra đời của nền dân chủ tư sản, đã biến đổi cách mạng từ nhà nước chuyên chế của cá nhân ông vua thành nhà nước pháp quyền tư sản và xã hội thần dân phong kiến thành xã hội công dân tư sản.
Khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến trình độ đại công nghiệp, dưới sự tác động của Nhà nước tư sản (sự thống trị của tư sản công nghiệp) đã thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển chỉ trong vòng 100 năm đã tạo ra lực lượng sản xuất lớn hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thời đại trước đây cộng lại.
Chủ nghĩa Mác - Lênin không phủ định sạch trơn chủ nghĩa tư bản nói chung và dân chủ tư sản - cốt lõi là nhà nước tư sản nói riêng.
Hai là, phê phán quan điểm cho rằng, dân chủ tư sản đã thay đổi bản chất, không cần nền dân chủ nào (xã hội chủ nghĩa) thay thế, hoặc tự nó dân chủ tư sản sẽ dẫn đến dân chủ xã hội chủ nghĩa không cần cách mạng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm trên sai cả trong thực tiễn lịch sử, sai cả về lý luận.
Nền dân chủ tư sản ra đời phải thông qua cách mạng tư sản. Ngay cả cuộc cách mạng tư sản Pháp là cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất năm 1789 với việc xử tử Hoàng đế Lui XVI lập nền Cộng hòa I vẫn bị hai dòng họ quý tộc phong kiến Buốc bông và Oacleang chiếm lại chính quyền từ 1815 -  1848 (33 năm), giai cấp tư sản phải tiếp tục cuộc cách mạng lần thứ hai (2/1848) lập lại nền Cộng hòa II.
Ba là, phê phán quan điểm cho rằng dân chủ mâu thuẫn với chuyên chính. Đã dân chủ thì không chuyên chính và đã chuyên chính thì không có dân chủ.
Với quan điểm trên, những người xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin về dân chủ cho rằng, chỉ có trong chế độ tư sản mới có dân chủ; còn trong chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ có chuyên chính, độc tài của một giai cấp (giai cấp vô sản), của một Đảng (Đảng Cộng sản) thay thế chuyên chính của cá nhân (ông vua) trong chế độ phong kiến. Rằng từ chuyên chính, loài người đấu tranh lên dân chủ, thì những người cộng sản lại đẩy loài người trở về chuyên chính (chuyên chính của giai cấp, đảng). Họ thường phủ nhận thành quả của các nhà nước xã hội chủ nghĩa, thổi phồng những khuyết điểm, yếu kém của nhà nước xã hội chủ nghĩa để minh họa. Thí dụ ở Liên Xô, họ gọi là “chống sùng bái cá nhân Stalin”, ở Việt Nam họ thổi phồng khuyết điểm cải cách ruộng đất (1956).
Bốn là, phê phán quan điểm phủ nhận khả năng tổ chức, xây dựng của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong hoạt động thực tiễn. Trong chủ nghĩa tư bản, nước Anh công nghiệp hóa 100 năm, Nhật Bản 60 năm, Hàn Quốc 40 năm, Singapore 30 năm tạo sự “thần kỳ Đông Á”.
Trong chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, năm 1925 công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đến 1941 (sau 16 năm) Liên Xô thành nước công nghiệp hàng đầu châu Âu. Năm 1949 (24 năm trong đó có 4 năm chiến tranh), Liên Xô thử thành công bom nguyên tử, phá thế độc quyền vũ khí nguyên tử của Mỹ. Đến năm 1957 (32 năm) Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tọa trái đất. Đến năm 1961 (36 năm), Liên Xô là nước đầu tiên đưa con người vào vũ trụ. Liên Xô trở thành 1 trong 2 siêu cường. (30 năm Singapore là 30 năm cuối thế kỷ XX với một nước có 3 - 5 triệu dân. 30 năm của Liên Xô là 30 năm đầu thế kỷ XX với một nước từ 125 triệu - 175 triệu dân)
Bên cạnh phát triển lực lượng sản xuất (khoa học, kỹ thuật), Liên Xô thành công trên các lĩnh vực: 1/ giải quyết việc làm, xóa nạn thất nghiệp; 2/ thực hiện mọi người có nhà ở, phát triển giáo dục, chăm sóc y tế không mất tiền (miễn phí); 3/ người già, trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số được quan tâm; 4/ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập dân tộc chủ quyền quốc gia và bảo vệ hòa bình thế giới; 5/ Giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc (trong đó có Việt Nam).
Năm là, phê phán quan điểm gắn việc xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa với thực thi nhân quyền, mà bản chất nhân quyền theo quan điểm tư sản là “quyền tự do cá nhân tư sản”; rằng nhân quyền cao hơn chủ quyền (quyền cá nhân cao hơn quyền quốc gia dân tộc - điều vô cùng phi lý) từ đó để can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia dưới cái nhãn “bảo vệ những người bất đồng chính kiến”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét