Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Các tiêu chí để phân định tộc người ở nước ta là gì?

Việc xác định thành phần tộc người ở nước ta được coi là một nhiệm vụ quan trọng của ngành dân tộc học dưới chế độ mới trong những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX.
Các nhà dân tộc học Việt Nam, có sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (cũ) đã tham khảo các tiêu chí phân định tộc người trên thế giới nhưng tính đến đặc thù điều kiện lịch sử - xã hội và đặc điểm tình hình dân tộc ở nước ta để xây dựng các tiêu chí. Năm 1973 tại Hà Nội, 2 cuộc hội thảo khoa học lớn (tháng 6 và 11) đã thống nhất lấy dân tộc (nghĩa tộc người - ethnic) làm đơn vị cơ bản trong xác định thành phần tộc người ở Việt Nam.
Sau nhiều lần trao đổi bằng các hội thảo khoa học, các nhà khoa học đã thống nhất đưa ra 3 tiêu chí xác định thành phần tộc người ở Việt Nam gồm:
1) Sự cộng đồng về ngôn ngữ.
2) Có các đặc điểm chung về sinh hoạt - văn hóa.
3) Có ý thức tự giác tộc người.
Từ các tiêu chí này, ngày 02 tháng 3 năm 1979, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức công bố danh mục 54 tộc người (và các nhóm địa phương) hay còn gọi là dân tộc hoặc thành phần dân tộc, sắp xếp theo thứ tự số lượng dân cư.

Sở dĩ, chúng ta không căn cứ hoàn toàn vào các tiêu chí trên thế giới vì đặc điểm tình hình dân tộc ở nước ta có nhiều khác biệt. Các tộc người nước ta có lịch sử cư trú khác nhau, vừa là cư dân tại chỗ, vừa thiên di đến vào các thời điểm khác nhau; các tộc người không có lãnh thổ tộc người riêng mà cư trú xen kẽ từ hàng nghìn năm nay; hầu hết các tộc người đều dựa trên nền tảng cơ sở kinh tế nông nghiệp trồng lúa miền nhiệt đới gió mùa với nhiều đặc điểm tương tự nhau... Nên, có những tiêu chí xác định tộc người được áp dụng phổ biến trên thế giới như: nguồn gốc, tâm lý, lãnh thổ, cơ sở kinh tế nhưng lại không phù hợp với thực tiễn dân tộc nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét