Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Nhận diện và phê phán quan điểm phủ nhận khả năng và các điều kiện để Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa

a. Nhận diện
- Quan điểm phủ nhận khả năng Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; cho rằng phải trải qua đủ 5 hình thái kinh tế - xã hội, do đó phải qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
- Quan điểm cho rằng, sau sự biến Liên Xô 1991 Việt Nam không còn đủ điều kiện để quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa – điều kiện về sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa.
- Quan điểm cho rằng, thời đại ngày nay không phải là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội… (phủ nhận nội dung cơ bản của thời đại ngày nay) mà là thời đại của cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế trí thức, toàn cầu hóa, của thế giới phẳng… không còn là thế giới phân chia thành 2 cực xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa theo hệ tư tưởng mới.
b. Phê phán
Một là, cần chỉ ra rằng, lịch sử toàn thế giới phải trải qua đủ 5 hình thái kinh tế - xã hội, còn lịch sử của từng quốc gia dân tộc thì không nhất thiết phải như vậy. Thực tế lịch sử đã cho thấy một số quốc gia dân tộc đã bỏ qua một, thậm chí tới 2 hình thái kinh tế - xã hội (thí dụ). Ngay Việt Nam cũng không qua chế độ chiếm hữu nô lệ.
Quan điểm sai lầm nói trên là quan điểm giáo điều, chỉ thấy cái chung mà không thấy cái riêng, thấy cái phổ biến mà không thấy cái đặc thù.
Hai là, cần chỉ ra rằng, Lênin nêu 3 điều kiện để một nước có thể bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội là: 1/ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; 2/ chính quyền của đa số nhân dân lao động trên cơ sở liên minh công nông; 3/ được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong 3 điều kiện nói trên thì điều kiện (1) và (2) là những điều kiện bên trong, điều kiện (3) là điều kiện bên ngoài. Cả lý luận và thực tiễn cho thấy các điều kiện bên trong bao giờ cũng có vai trò quyết định, điều kiện bên ngoài là quan trọng (chúng ta không coi nhẹ).
Với ý nghĩa ấy Việt Nam có đủ 2 điều kiện bên trong: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trên nền tảng liên minh công - nông - trí do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (Việt Nam còn có khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có chủ nghĩa yêu nước Việt Nam…).
Từ sự biến Liên Xô 1991 Việt Nam không còn nhận được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa (thiếu điều kiện 3, điều kiện bên ngoài), nhưng thay vào đó là sự phát triển của Việt Nam sau 10 năm đổi mới (1986 - 1996) đã phá vỡ được âm mưu và hành động bao vậy cấm vận của Mỹ, có quan hệ với hầu hết các nước trong đó có đủ các nước lớn (kể cả nước vốn là thù địch) như Mỹ, Pháp, Nhật… và những nước xã hội chủ nghĩa trước đây như Nga, Cộng hòa Séc… Qua đó tiếp nhận thành tựu của nhân loại, đặc biệt lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại.
Ba là, cần chỉ ra rằng, mặc dù chủ nghĩa xã hội thất bại ở Liên Xô và Đông Âu, những nội dung cơ bản của thời đại vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga 1917.
Vì 1/ Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng… Vì vậy, ở lĩnh vực này, ở địa bàn khác chủ nghĩa xã hội có thể vấp phải thất bại, cách mạng thoái trào kéo dài hàng chục năm là chuyện khó tránh khỏi. Thí dụ từ cách mạng tư sản Anh 1640 đến cách mạng tư sản Pháp 1789 là 149 năm; cách mạng tư sản Pháp thoái trào từ 1815 - 1848 là 33 năm. Sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản đã như vậy, thì chủ nghĩa xã hội càng khó tránh khỏi như vậy. 2/ Thất bại của chủ nghĩa xã hội do nhiều nguyên nhân trong đó có 2 nguyên nhân chủ yếu là sai lầm về đường lối cải tổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và cuộc phản kích quyết liệt với thủ đoạn tinh vị (diễn biến hòa bình + bạo loạn lật đổ) của thế lực tư sản phản động ở Mỹ, Tây Âu. 3/ Cần chỉ ra rằng, dù chủ nghĩa xã hội thoái trào nhưng các nước xã hội chủ nghĩa cải cách, đổi mới như Trung Quốc, Việt Nam, Lào vẫn tiếp tục phát triển, Cuba, Triều Tiên chưa có điều kiện cải cách, đổi mới nhưng vẫn trụ vững. Gần đây, Cuba bắt đầu cải cách với phương châm “Tiếp cận mô hình kinh tế mới” một cách thận trọng. 4/ Phong trào cánh tả Mỹ Latinh phát triển mạnh từ 1998 với 4 – 5 nước tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội, gọi là chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. 5/ Chủ nghĩa tư bản sau hiện tượng “ở thế thượng phong” nửa đầu thập kỷ 90, thế kỷ XX lại rơi vào suy thoái (1997 - 1998, 2007 - 2008, 2011- nay). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét