Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

ĐẨY MẠNH GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC CHO THANH NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã ghi những trang sử vàng oanh liệt của nhân dân đấu tranh để xây dựng nước nhà bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Chủ nghĩa yêu nước sản phẩm tinh thần cao quý nhất, giữ vị trí đứng đầu trong bậc thang giá trị văn hóa tinh thần, là chuẩn mực đạo lý của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước là động lực nội sinh to lớn của dân tộc, tạo thành sức mạnh vô địch trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Vì vậy, trong số những vấn đề cần giáo dục cho thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu vấn đề giáo dục chủ nghĩa yêu nước: “Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn”. Với tinh thần yêu nước được xác định là vốn quý, sức mạnh tuyệt vời đã bao lần giúp dân tộc ta đứng vững trước những thử thách nghiệt ngã của lịch sử. Ngày nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết, tinh thần ấy cần được khơi dậy mạnh mẽ hơn, cần được đề cao và phải tiếp tục tỏa sáng, dâng trào để đưa dân tộc ta bước qua đói nghèo, tụt hậu. Việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bởi, nó góp phần quan trọng vào quá trình thức tỉnh một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên đang sống thiếu lý tưởng, thiếu niềm tin, thiếu lòng tự hào và tự tôn dân tộc; đồng thời, sẽ tiếp thêm nguồn sức mạnh cho hàng triệu thanh niên đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, học tập, lao động, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, trên mọi lĩnh vực cho sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.

Để làm tốt vai trò là người làm chủ nước nhà trong tương lai, thanh niên phải có tình yêu nước nồng nàn, ý thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, với đồng bào. Nhiệm vụ của thanh niên không chỉ là học tập, rèn luyện mà còn phải biết cống hiến và hy sinh. Trong bài nói chuyện ngày 19/01/1955 tại buổi lễ khai mạc Đại học nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh ân cần chỉ bảo: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?…”. Lời nói của Người tuy giản dị mà sâu sắc biết bao.

Hồ Chí Minh rất chú trọng tới vai trò giáo dục của nhà trường, của ngành giáo dục - đào tạo. Bởi vì, nhà trường là môi trường thuận lợi nhất để giáo dục thanh niên trên mọi phương diện. Nhà trường là môi trường để thanh niên trau dồi đạo đức, ý chí, luyện rèn những phẩm chất cần thiết cho một tương lai tươi sáng. Nhà trường là nơi tuổi trẻ tiếp thu những kiến thức, tích lũy những kinh nghiệm để chuẩn bị bước vào đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của nhà trường: “Cốt nhất là phải dạy học trò biết yêu nước, thương nòi, phải dạy cho họ ý chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”.

Bên cạnh trường học, vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh rất quan trọng. Trong suốt hành trình cách mạng Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã đóng góp những đoàn viên thanh niên ưu tú, thông qua tổ chức Đoàn giáo dục, rèn luyện, giác ngộ hình thành nên những phẩm chất nhân cách tốt, sống có lý tưởng, hoài bão, góp phần cùng dân tộc lập nên những chiến công chói lọi. Đoàn vừa là tổ chức, vừa là môi trường cho thanh niên yêu nước rèn luyện và cống hiến. Trong suốt cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh đã dành cho tổ chức này những tình cảm đặc biệt quý mến. Người từng nhắc nhở: “Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên”. Đối với những tấm gương anh hùng cách mạng, với những chiến công của các anh hùng đã lập nên trong công cuộc cứu nước và giữ nước, Hồ Chí Minh căn dặn: “Chúng ta phải ghi chép và thường nhắc lại những sự tích ấy... để giáo dục thế hệ trẻ ta rèn luyện một ý chí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc”. Người thanh niên yêu nước phải biết “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; vì đó là đạo lý, là lẽ sống quý báu của dân tộc đã được lưu giữ, gìn giữ từ ngàn đời nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét