Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

GIÁO DỤC CHO THANH NIÊN KHẮC PHỤC THÓI QUEN LẠC HẬU, HỦ TỤC

Thói quen lạc hậu là biểu hiện của ý thức xã hội, những hủ tục không dễ gì xóa bỏ được ngay. Vì vậy, khi đề cập tới phương châm giáo dục, Hồ Chí Minh xác định: “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài”. Theo Người, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên vừa khoa học, vừa nghệ thuật. Do vậy, trong giáo dục các giá trị truyền thống cho thanh niên phải tuân thủ từ dễ đến khó và khéo léo kết hợp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục. Một trong những biện pháp quan trọng, có ý nghĩa thời sự đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên hiện nay là sự nêu gương của các thế hệ đi trước và của các nhà giáo dục. Muốn vậy, phải ra sức xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo tốt, trường lớp tốt, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, mô phạm để thanh niên nhìn vào đó học tập và làm theo.

Về nội dung, chương trình giáo dục cho thanh niên phải quán triệt quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu cho rằng: sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, chỉ cần trang bị kiến thức chuyên môn, thao tác kỹ thuật nghiệp vụ mà không cần trang bị các kiến thức toàn diện. Do đó, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức chuyên ngành, phải trang bị các tri thức khác cho thanh niên; trong đó, phải quan tâm tới giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc. Người nói: “Bác không phản đối việc giáo dục cho thanh niên ta những hiểu biết về thế giới, về lịch sử các nước, về những cái hay của loài người. Nhưng ta phải phân biệt cái gì nên làm trước, cái gì làm sau cho thiết thực và có ích”. Trong quá trình giáo dục cần kết hợp giữa kế thừa và phát triển các truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ các hủ tục, lạc hậu: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải  phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Theo Người, phải “Học tập cách giáo dục của ông cha ta”. Đối với những người làm công tác giáo dục giá trị truyền thống, Người nêu quan điểm: “Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện mà lại có duyên. Các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân, nên kèm theo nhiều tranh vẽ dễ hiểu mà đẹp, nhưng đừng vì vẽ nhiều mà tính giá đắt quá”. Cụ thể, trong khi viết và nói, chú ý sử dụng các khái niệm giản dị, thiết thực, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng văn phong phải trong sáng, ý tưởng phong phú và phù hợp với điều kiện cụ thể của người đọc, người nghe. Phong cách đó làm cho mọi tầng lớp, mọi người ở trình độ khác nhau đều hiểu. Do đó, Người chỉ rõ: “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét