Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

NHẬN DIỆN CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC HÌNH ẢNH QUỐC GIA

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đời sống kinh tế-xã hội của cả nước đã có sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chiến lược thích ứng an toàn với dịch Covid 19 mang lại khí thế, diện mạo mới cho môi trường sản xuất, kinh doanh, tái hoạt động các đường bay quốc tế, từng bước đón du khách từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương, vùng kinh tế trọng điểm đã tăng tốc ngay từ đầu năm mới. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2-2022 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17-2 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2022 có sự phục hồi tích cực. Dù xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2022 giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD. Cam kết và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiến  triển tích cực.

Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1-2022, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, việc chăm lo an sinh xã hội cho đồng bào trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã trở thành phong trào thiện nguyện, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào yêu nước. Những thành tích, dấu ấn tích cực ấy đã thể hiện rõ nét tính ưu việt của văn hóa Việt Nam, bản chất nhân văn xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó giữa Đảng với dân.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế-xã hội đất nước đầu năm 2022 vẫn có những mảng tối, tiêu cực. Và đây chính là cái cớ để các phần tử cực đoan chính trị, có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác, khoét sâu, tăng cấp độ, quy mô, tính chất xuyên tạc, chống phá.

 Vụ việc tiêu cực từ Công ty Việt Á, vụ việc nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), việc kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị... đã bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bóp méo, bôi đen, nhằm ý đồ lèo lái dư luận, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Trên một số trang mạng xã hội như “Việt Tân”, “RFA Tiếng Việt”, “Tiếng dân”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Diễn đàn dân chủ”... và tài khoản của một số đối tượng cực đoan, có tư tưởng thù địch, xuất hiện nhiều bài viết, clip có nội dung xuyên tạc.

Chúng bám vào những vụ việc tiêu cực đó để chỉ trích Chính phủ và hệ thống chính trị, quy kết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh quốc gia, vị thế dân tộc, kêu gọi các nhà đầu tư và du khách quốc tế tẩy chay Việt Nam. Với chiêu bài lấy hiện tượng quy kết bản chất, lấy cái cá thể chụp mũ tổng thể, các thế lực thù địch và đối tượng phản động cho rằng, “Việt Nam là đất nước của tham nhũng, tiêu cực”, rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng vì Việt Nam chỉ do một đảng lãnh đạo, một đảng thì không thể có dân chủ, không thể chống được tham nhũng”...

Trước những luận điệu xuyên tạc ấy, công chúng yêu nước dễ dàng nhận ra bản chất, bộ mặt của những đối tượng, tổ chức mang tư tưởng thù địch với đất nước. Mấy tháng trước, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng đã kích động, rêu rao rằng “công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã thất bại”, “Việt Nam chống dịch kém nhất thế giới”...

Đến khi chúng ta khống chế dịch thành công, chuyển sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, thì chúng lại chuyển sang bám vào những vụ việc tiêu cực, những mảng tối của “hậu Covid-19” để xuyên tạc, kích động chống phá. Không ít đối tượng nhân danh hoạt động “phản biện”, “góp ý”, “đấu tranh”... ra sức bôi đen hình ảnh đất nước, hạ thấp uy tín quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Mục đích của chúng là hòng làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên méo mó, lệch lạc trong mắt kiều bào và bạn bè quốc tế, phá hoại công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước.  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét