Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ HIẾU HỌC, TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO, TRỌNG DỤNG HIỀN TÀI

Quá trình xây dựng và phát triển đất nước, từ khi dựng nước ông cha ta luôn coi trọng vai trò của tri thức, từ đó hình thành nên truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng hiền tài. Sự tôn vinh và trân trọng ấy được thể hiện thông qua những kỳ thi như: thi Hương, thi Hội, thi Đình để tìm kiếm, lựa chọn nhân tài nhằm quản lý xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhân sĩ Thân Nhân Trung đã viết trên tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi nhận về trí thức: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp”. Trong xã hội, người thầy luôn được tôn kính và trân trọng, đề cao và suy tôn “mồng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Vì vậy, vị thế của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ. Người có học mà thi đậu thì được đón rước long trọng về làng, không những bản thân được vinh dự, mà còn đem vinh dự về cho ông bà, cha mẹ, và cả cho họ hàng, làng, nước. Về truyền thống này, Hồ Chí Minh viết: “Có con học giỏi là một vinh hạnh cho cha mẹ. Cho nên, dù có nghèo đói đến đâu, cha mẹ cũng cố tìm cách cho con cái được học hành. “Nửa bụng chữ bằng một hũ vàng” là một câu tục ngữ biểu hiện nhiệt tình ham muốn có học thức của dân tộc An Nam”; “Người An Nam rất hiếu học. Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm địa vị hàng đầu”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét