Trong tiến trình 35 năm đổi
mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được coi là vấn đề “then chốt”, bảo đảm cho
Đảng giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tổng kết 5 bài học lớn; trong đó, bài học
hàng đầu là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp
tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, vững
vàng vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn cách mạng mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) quyết định đường lối đổi
mới toàn diện đất nước cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng,
an ninh, đối ngoại. Năm 1986, đất nước khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng,
lạm phát 774,7%, tổng thu nhập quốc dân khoảng 14 tỷ USD với hơn 50 triệu dân,
thu nhập bình quân đầu người khoảng 280 USD. Trong hoàn cảnh đời sống nhân dân
vô cùng khó khăn, với trách nhiệm của Đảng cầm quyền, Đảng nhận thức rõ đổi mới
là mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm của Đảng đối với đất nước và nhân
dân. Làm sao đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, phát triển đất nước, chăm lo đời
sống của nhân dân? Ngay từ đầu, Đảng chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới
kinh tế với đổi mới chính trị, lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm,
xây dựng Đảng là then chốt; phải tập trung phát triển kinh tế và từ thành tựu
kinh tế mà từng bước đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới tư duy lý luận, trước
hết là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, phương thức lãnh đạo của Đảng.
Trải qua 35 năm đổi mới,
đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Năm 1996,
Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; năm 2008, ra khỏi tình trạng một
nước kém phát triển, có mức thu nhập trung bình và năm 2020, với gần 100 triệu
dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Diện mạo đất nước đàng hoàng
hơn, to đẹp hơn gấp nhiều lần, đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt về vật chất,
văn hóa, tinh thần, về mức sống và chất lượng cuộc sống; nhất là về ăn, ở, đi lại,
học hành, chữa bệnh, dịch vụ cuộc sống. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng
cố vững mạnh, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước. Quốc phòng, an ninh được
tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ,
biển, đảo của Tổ quốc. Đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, kết hợp
nội lực với ngoại lực, nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo môi trường hòa bình, hợp
tác và phát triển. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nêu rõ
và Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ,
tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nhìn lại tiến trình 35 năm đổi mới và nhiệm kỳ vừa qua, Đại hội XIII của Đảng đã tổng kết 5 bài học lớn; trong đó, bài học hàng đầu là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét