Thực tiễn đổi mới cho thấy,
xây dựng Đảng về chính trị có tầm quan trọng đặc biệt nhằm giữ vững lý tưởng, mục
tiêu, bảo đảm tính đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối, rèn luyện bản lĩnh chính
trị cho đội ngũ đảng viên, bảo đảm dẫn dắt sự nghiệp cách mạng phát triển đúng
hướng, đi đến thắng lợi. Cương lĩnh, đường lối của Đảng phải xuất phát từ thực
tiễn đất nước, vì lợi ích của dân, lấy dân làm gốc. Có thể thấy rõ, Đại hội VI
của Đảng (tháng 12-1986) là bước phát triển mạnh mẽ trong xây dựng Đảng về
chính trị, đi đến quyết định đường lối đổi mới. Đường lối đổi mới cũng dựa trên
thái độ tự phê bình thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật,
nói rõ sự thật, khắc phục bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Đại hội VI nhấn mạnh
bài học xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của Đảng cầm quyền lãnh
đạo nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Một bài học sâu sắc của
Đại hội VI là: “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động
theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều
kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”.
Từ sau năm 1986 đến Đại hội
XIII của Đảng (năm 2021), Đảng không ngừng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực
tiễn, làm rõ nhiều vấn đề trong đường lối đổi mới. Xác định rõ mục tiêu phát
triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhận thức đúng đắn
những đặc trưng, quy luật của kinh tế thị trường, xử lý đúng mối quan hệ giữa
kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước gắn với chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, giáo
dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng
cao, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống
chính trị, xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. “Hoàn thiện đồng
bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa”. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội,
chiến lược xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Kết hợp tăng trưởng
kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Xây
dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng những
chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới. Xây dựng và triển khai chiến
lược quốc phòng toàn dân và chiến lược an ninh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc
và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương
hóa, đa dạng hóa, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực,
có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tích cực, chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc
tế sâu rộng.
Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII thông qua
(tháng 6-1991), xác định 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta
xây dựng ở Việt Nam và Đại hội XI (tháng 1-2011) tiếp tục bổ sung, phát triển
thành 8 đặc trưng. Quá trình đổi mới đến Đại hội XIII, nhận thức về chủ nghĩa
xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Cụ thể là,
sáng tỏ hơn về mô hình, mục tiêu, các bước phát triển; sáng tỏ hơn về những vấn
đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thời kỳ quá độ; sáng tỏ hơn khả năng
và nội dung bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa và kế thừa những thành tựu phát triển
của loài người trong hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, ở khả năng
chung sống, hợp tác giữa các nước có chế độ chính trị, xã hội và con đường phát
triển khác nhau. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ
XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Xây dựng Đảng về chính trị đòi hỏi rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, của từng cán bộ, đảng viên. Đó là tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực, tự cường; là sự kiên định lý tưởng, mục tiêu cách mạng; là chủ động, kiên cường đương đầu và vượt qua khó khăn, thách thức; là tinh thần tự phê bình, phê bình thẳng thắn, trung thực, mang tính xây dựng; là dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, yếu kém và quyết tâm sửa chữa; là linh hoạt thích ứng theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét