Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

CHỨC NĂNG XÃ HỘI CỦA TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Chức năng đền bù hư ảo là chức năng xã hội chủ yếu, đồng thời cũng là đặc trưng cơ bản của tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đời sống xã hội, do con người còn nhiều sự khổ đau, bất lực, yếu đuối, nên tín ngưỡng, tôn giáo vẫn là chỗ dựa để an ủi, khuyên răn đầy huyền bí về sức mạnh, quyền uy cứu độ của thượng đế, góp phần tạo nên sự hài lòng, tin tưởng vào các lực lượng siêu nhiên và cuộc sống hạnh phúc ở thiên đường. Nhờ đó tín ngưỡng, tôn giáo góp phần giải toả sự sợ hãi, nỗi bất hạnh trong cuộc đời, giảm nhẹ một cách hư ảo sự bất hạnh trong cuộc sống con người. Tôn giáo là hạnh phúc ảo tưởng của nhân dân.
Chức năng thế giới quan: Tín ngưỡng, tôn giáo tạo cho người một quan niệm về thế giới, về con người, nhưng đó là “thế giới quan lộn ngược”, “vì bản thân chúng là thế giới lộn ngược”. Sự phản ánh của tín ngưỡng, tôn giáo là sự phản ánh hư ảo về thế giới nên đã định hướng mọi suy nghĩ, nhận thức, hành động của con người, góp phần hình thành trong họ hệ thống quan niệm duy tâm về thế giới và những chuẩn mực, hành động tôn giáo. Trong quan niệm của người có tín ngưỡng, tôn giáo, vai trò chủ thể sáng tạo của con người bị suy giảm, biến mất, họ rất dễ phó mặc cho thần thánh.
Chức năng điều chỉnh: Tín ngưỡng, tôn giáo nào cũng có hệ thống “giá trị”, chuẩn mực đạo đức tôn giáo nhằm điều chỉnh suy nghĩ, hành vi ứng xử của con người với bản thân, với người khác, với xã hội và với giới tự nhiên phù hợp với đức tin. Trong đó vừa có những yếu tố tiêu cực, vừa có những chuẩn mực, giá trị đạo đức chân chính, có ý nghĩa tích cực nhất định. Tôn giáo điều chỉnh con người, vừa có tính tự giác, vừa có tính bắt buộc tuân theo nội dung ở giáo lý, giáo luật, nghi lễ hành đạo.

1 nhận xét: