Vai trò xã hội của tín ngưỡng, tôn giáo
xuất phát từ bản chất, chức năng của nó và còn chịu sự chi phối của các yếu tố:
kinh tế, chính trị, văn hoá, đạo đức... Thực tế, cùng một tôn giáo, nhưng trong
những điều kiện lịch sử khác nhau, chế độ chính trị khác nhau, thì vai trò xã hội của nó cũng khác nhau.
Trong xã hội có đối
kháng giai cấp, vai trò xã hội của tín ngưỡng, tôn giáo bị chi phối rất lớn bởi
ý thức chính trị - giai cấp. Các giai cấp thống trị xã hội đều sử dụng tôn giáo
để phục vụ lợi ích giai cấp mình. Các giáo hội, ngoài chức năng tôn giáo còn thực hiện những chức năng ngoài
tôn giáo như: thống trị xã hội, chiến tranh xâm
lược... Do vậy, khi đánh giá vai trò xã hội một tổ chức tôn giáo phải luôn luôn
có quan điểm lịch sử, cụ thể.
Tín
ngưỡng, tôn giáo có ảnh hưởng tích cực nhất định đến đời sống xã hội. Có
lúc tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh chống lại sự bất
công, tàn bạo trong xã hội có áp bức và bóc lột. Văn hóa, đạo đức tín ngưỡng,
tôn giáo cũng có những nội dung mang tính nhân văn, khuyến thiện, trừ ác, trở
thành giá trị văn hoá đạo đức tinh thần của nhân loại. Thực tế các tín đồ, chức
sắc tôn giáo giáo đã thực hiện tốt các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ,
những người thiệt thòi, bất hạnh. Bởi thế, Đảng ta khẳng định: “Phát huy những
giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn
giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho
công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tín ngưỡng, tôn giáo có ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh
vực đời sống của cá nhân, cộng đồng: Do bị thế giới quan duy tâm chi phối, tín ngưỡng, tôn
giáo thường hạn chế phát triển tư duy duy vật, khoa học, làm cho con người dễ
có thái độ nhẫn nhục, khuất phục, không tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc
tạo dựng hạnh phúc thật sự nơi trần gian, mà lại hi vọng hạnh phúc ở cuộc sống
sau khi chết. Điều đó dễ dẫn đến thái độ mù quáng và hành vi cuồng tín ở những
người có tín ngưỡng, tín đồ, chức sắc tôn giáo. Các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn
giáo rất dễ bị lợi dụng hành nghề mê tín dị đoan. Trong thực tế, các hiện tượng
tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan thường đan xen nhau. Đồng thời ảnh hưởng
tiêu cực của tín ngưỡng, tôn giáo tăng lên khi bị giai cấp thống trị và kẻ xấu
lợi dụng để thực hiện ý đồ chính trị và “buôn thần bán thánh”.
Bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa