Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

BẢN CHẤT CỦA TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Tín ngưỡng, tôn giáo là một hiện tượng xã hội, một hình thái ý thức xã hội phản ánh xuyên tạc hiện thực khách quan biến lực lượng tự nhiên, xã hội thành lực lượng siêu nhiên; là “thế giới quan lộn ngược”, trong giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội. Tín ngưỡng, tôn giáo do con người sáng tạo ra, là biểu hiện của sự khốn cùng hiện thực, đồng thời là sự phản kháng chống lại sự khốn cùng hiện thực ấy. Đó là sự phản kháng tiêu cực, yếu đuối, tự phát của tầng lớp nhân dân bị áp bức. Xét đến cùng, tín ngưỡng, tôn giáo áp bức con người về tinh thần, làm tha hóa con người. C.Mác đã chỉ rõ: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Theo C.Mác, tín ngưỡng, tôn giáo đã làm cho con người trở nên thụ động, cam chịu bị áp bức và trở thành nô lệ cho lực lượng siêu nhiên thần bí. Trong xã hội có giai cấp đối kháng, giai cấp thống trị sử dụng tôn giáo như một phương tiện để áp bức, nô dịch và thủ tiêu ý chí đấu tranh của quần chúng lao động.
Tuy nhiên, trong tín ngưỡng, tôn giáo cũng hàm chứa những giá trị văn hóa đạo đức nhất định phù hợp với xã hội mới của chúng ta đang xây dựng, đòi hỏi chúng ta phải biết kế thừa, phát huy. Tín ngưỡng, tôn giáo luôn mang dấu ấn lịch sử của thời đại, của dân tộc mà nó ra đời, tồn tại và nó cũng biến đổi, thích ứng với sự biến đổi của xã hội. Thông thường, khi mới ra đời các tín ngưỡng, tôn giáo đều phản ánh nguyện vọng của quần chúng, nhưng trong quá trình tồn tại, vận động và phát triển thường bị các thế lực, giai cấp thống trị lợi dụng biến thành công cụ phục vụ cho lợi ích của chúng, chống lại lợi ích của quần chúng. Tín ngưỡng, tôn giáo còn tồn tại lâu dài, còn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. 

1 nhận xét: