Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

TRONG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CÓ NHỮNG THAY ĐỔI NHẤT ĐỊNH

Tín ngưỡng, tôn giáo tách khỏi nhà nước và trường học. Nhà thờ không còn là một bộ phận của nhà nước. Trường học không giảng đạo. Mọi đặc quyền, đặc lợi về chính trị, kinh tế của giáo hội ở xã hội cũ bị xoá bỏ. Hệ thống tổ chức tôn giáo chịu sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa, được bảo đảm hoạt động tôn giáo theo qui định của pháp luật và có trách nhiệm thực hiện nghiêm pháp luật. Tổ chức tôn giáo chỉ chuyên chăm lo việc đạo, truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi, không tham gia hoạt động chính trị.
          Giáo lý, giáo luật, lễ nghi của các tôn giáo có sự thay đổi nhất định để thích nghi với chế độ xã hội mới, với văn hoá, truyền thống của dân tộc. Những quy định không phù hợp với pháp luật bị bãi bỏ. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tuân theo đúng pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
          Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân của chế độ xã hội chủ nghĩa; có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Công dân có đạo hoặc không có đạo cũng như có đạo khác nhau đều là người chủ đất nước, tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết, ủng hộ chính quyền, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chức sắc, nhà tu hành chuyên tâm chăm lo việc đạo, tích cực góp phần xây dựng chế độ xã hội mới, có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật. 

1 nhận xét: