Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CÒN TỒN TẠI TRONG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Trong chủ nghĩa xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo còn tồn tại. Chủ nghĩa xã hội là một xã hội thoát thai từ xã hội cũ, về mọi phương diện kinh tế, đạo đức, tinh thần nó còn mang dấu vết của xã hội ấy. Đặc biệt trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế với những lợi ích khác nhau của các giai tầng xã hội, sự bất bình đẳng ở một số lĩnh vực vẫn còn, sự ngẫu nhiên, may rủi trong nền kinh tế thị trường chưa thể khắc phục được. Cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu còn diễn ra rất đa dạng, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó làm cho tôn giáo không chỉ còn tồn tại trong xã hội xã hội chủ nghĩa mà còn có biểu hiện ở từng lúc, từng nơi rất phức tạp. Trong chủ nghĩa xã hội, con người vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được tự nhiên, xã hội. Họ vẫn phải chứng kiến những hiện tượng ngẫu nhiên, rủi ro, bất hạnh, thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói… xảy ra đối với đồng loại và chi phối đời sống con người. Nhiều vấn đề về tự nhiên và xã hội con người còn chưa nhận thức được. Nhiều người vẫn còn tâm lý sợ hãi, nhờ cậy nên vẫn tin theo tôn giáo. Do đó, tôn giáo còn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân.
          Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu bắt nguồn từ sự hạn chế, yếu kém của đảng cộng sản trong tổ chức xây dựng chủ nghĩa xã hội trong đó có giải quyết vấn đề tôn giáo cùng với sự sa sút đạo đức cách mạng, thoái hoá, biến chất, tham nhũng của cán bộ, đảng viên, các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội nảy sinh và chậm được khắc phục, công bằng xã hội bị vi phạm, niềm tin của bộ phận quần chúng nhân dân vào xã hội mới bị giảm sút… đã làm nảy sinh tâm lý hoang mang, dao động, sợ hãi, nhờ cậy vào tôn giáo ở một số người.
          Tín ngưỡng, tôn giáo đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần, trở thành tâm lý, tập quán, thói quen của một bộ phận nhân dân qua nhiều thế hệ nên không dễ mất đi trong một thời gian ngắn. Mặt khác, tôn giáo còn biết tự điều chỉnh, thích nghi với điều kiện xã hội mới để tồn tại và đáp ứng nhu cầu văn hoá, tinh thần, tâm lý và tình cảm của một bộ phận quần chúng nhân dân. Các chức sắc tôn giáo ra sức hoạt động tuyên truyền, lôi kéo giáo dân để duy trì sự tồn tại của tôn giáo.
Các thế lực thù địch dung dưỡng, lợi dụng tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mất ổn định chính trị, thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá chủ nghĩa xã hội. Điều đó làm cho tình hình tôn giáo có lúc, có nơi diễn biến rất phức tạp. Thực tế tình hình tôn giáo ở các nước xã hội chủ nghĩa đã chứng minh điều đó.

1 nhận xét: