Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

ĐẤU TRANH VỚI “VẤN NẠN” QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG HIỆN NAY

Thời gian gần đây báo chí liên tục đưa tin các cánh rừng trên cả nước đang bị tàn phá, tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên; thật nực cười cũng có rất nhiều khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong số này. Theo thống kê cho thấy hàng ngày, hàng giờ rất nhiều cánh rừng đang bị “xẻ thịt”, với hàng trăm, hàng nghìn m3 gỗ bị “tẩu tán”, ngay trước mắt các cơ quan chức năng.
Ở đây chúng ta không bàn nhiều về vai trò, tầm quan trọng của rừng, vì điều đó chúng ta đều thấy được, cái quan trọng chúng ta cần bàn là về công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng có liên quan. Có thể thấy hiện nay, chúng ta có một bộ máy tương đối “đồ sộ” làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt. Lẽ ra với một bộ máy như vậy thì công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ càng phải chặt chẽ hơn, các cánh rừng sẽ ít bị “xẻ thịt” hơn nhưng ngược lại, số cánh rừng bị tàn phá lại càng tăng lên, “lâm tặc” ngày càng hoành hành hơn, hoạt động công khai hơn. Thử hỏi số vụ việc bị phát hiện bằng bao nhiêu so với con số thực tế mà bọn “lâm tặc” đã thực hiện trong thời gian qua.
Khi một số vụ vận chuyển gỗ lậu bị phát giác, bị thu giữ, cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, thì “vô vàn” lý do được đưa ra, Kiểm lâm cho rằng lực lượng tuần tra, kiểm soát mỏng, quyền lực bị hạn chế, thiếu chế tài xử lý… Chính quyền địa phương lại bảo rằng không nắm bắt được tình hình… Chúng ta thử đặt vấn đề không nắm bắt được tình hình, lực lượng tuần tra, kiểm soát mỏng sẽ như thế nào? Thực tế cho thấy với hàng trăm, hàng nghìn m3 gỗ bị đốn hạ, không thể ngày một, ngày hai mà “lâm tặc” có thể làm được điều này, rồi tiếng cưa máy, hò hét của bọn chặt phá lẽ nào hoạt động liên tục như vậy lại không có ai nghe thấy; rồi có những cánh rừng chỉ có một con đường mà ô tô có thể ra vào được; mặt khác có những thời điểm hàng chục, hàng trăm ô tô vận chuyển gỗ lậu lưu thông qua những trạm tuần tra, kiểm soát mà cơ quan chức năng phải chăng lại không biết?
Theo tôi, chúng ta phải nhìn vào thực tế, ở đây đã có sự “tiếp tay”, “làm ngơ” của một số cơ quan chức năng, một bộ phận người có chức, có quyền vì lợi ích cá nhân đã “bao che” cho hành vi vi phạm của bọn “lâm tặc”, của kẻ xấu. Đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan hữu quan phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, không né tránh, nể nang, phải kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm cũng như loại bỏ, thanh trừng ngay những phần tử, cá nhân thoái hóa, biến chất, tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại rừng nhằm mục đích trục lợi cá nhân…để trả lại sự xanh tươi cho các cánh rừng, trả lại “sự sống” cho chính bản thân chúng ta.

1 nhận xét: